Trung Quốc, nơi có gần một phần năm dân số thế giới, là một quốc gia 'siêu hạng'. Bốn mươi năm tăng trưởng kinh tế, trung bình gần 10% một năm, đã đưa nước này thành vào nhóm đi đầu về công nghệ và sản xuất.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện chỉ đứng thứ hai về quy mô so với Mỹ. Đây là quê hương của sáu siêu đô thị thế giới. Mặc dù có tranh chấp thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng 6,4% trong quý I/2019, cao hơn gấp đôi so với dự báo của UN cho phần còn lại của thế giới.
Chiếm một phần ba lượng startup 'kỳ lân' thế giới
Khu vực Vịnh Lớn của Vùng châu thổ sông Châu Giang. (Ảnh: WEF) |
Năm 2018, Trung Quốc có tổng cộng 186 công ty khởi nghiệp 'kỳ lân', công ty trị giá hơn 1 tỷ USD, theo Hurun List. Chỉ trong năm ngoái, có 97 'kỳ lân' mới ra đời, tương đương cứ 3,8 ngày là xuất hiện một startup tỷ USD.
Trung Quốc đang xây dựng một trung tâm công nghệ khổng lồ, bao gồm 11 thành phố, để cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Vùng châu thổ sông Châu Giang, nơi sinh sống của gần 70 triệu người, sẽ được hợp nhất thành một siêu đô thị, được gọi là Khu vực Vịnh Lớn.
Chiếm hơn một nửa doanh số xe điện toàn cầu
Các tài xế Trung Quốc đã mua 1,1 triệu ôtô điện vào năm ngoái. Tại Triển lãm ôtô Thượng Hải gần đây, các nhà sản xuất Trung Quốc đã công bố 10 mẫu xe điện mới cho năm 2019.
Nước này cũng sản xuất hơn một nửa số pin xe thế giới. Giá pin xe dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức mà chi phí chạy xe điện sẽ rẻ hơn những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Đất nước này cũng là nơi có 99% đội xe buýt điện trên thế giới, với 400.000 xe đã chạy trên đường. Thâm Quyến là thành phố đầu tiên thay thế tất cả các xe buýt thành buýt điện và hiện tại cũng thay taxi thường thành taxi điện.
Khách Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng du lịch toàn cầu
Chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc dẫn đầu vào năm 2017. |
Vì Trung Quốc đã mở cửa với thế giới, nên các công dân của họ đã bắt đầu khám phá toàn cầu. Số lượng công dân Trung Quốc nghỉ lễ ở nước ngoài đang tăng lên hơn 6% một năm. McKinsey dự báo 160 triệu người sẽ nghỉ lễ bên ngoài Trung Quốc vào năm tới.
Năm 2017, khách du lịch Trung Quốc đã chi 250 tỷ USD ở nước ngoài. Một nhà ga London giờ thông báo khởi hành bằng tiếng Quan thoại song song tiếng Anh.
Dẫn đầu khối BRIC về khả năng cạnh tranh
Trung Quốc đứng vị trí thứ 28 về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, đứng đầu khối BRIC gồm Brazil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Nước này đạt điểm cao ở hạng mục đầu tư vào R&D, cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin.
Điểm đổi mới của Trung Quốc là một trong những điểm cao nhất trên thế giới, chỉ thua Đức, Mỹ và Thụy Sĩ. Nhưng họ cần cải thiện các hạng mục như tính đa dạng, sự hợp tác và tính cởi mở...
Vậy điều gì ngăn Trung Quốc đạt đến đỉnh cao của bảng xếp hạng cạnh tranh? WEF nói rằng nước này cần thúc đẩy cạnh tranh ở thị trường nội địa, cho phép các công ty nước ngoài tham gia vào các ngành công nghiệp, cũng như giải quyết sự thiếu hiệu quả và cứng nhắc của thị trường lao động.
Tăng trưởng GDP chậm lại nhưng vẫn cao
Trong nhiều năm, Trung Quốc tăng trưởng GDP khá cao. Kể từ cuối những năm 1970, tăng trưởng trung bình gần 10% một năm và 850 triệu người thoát nghèo.
Nhưng kể từ đầu thập kỷ này, tăng trưởng chậm lại do nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn toàn cầu thì mức tăng trưởng vẫn cao. IMF dự báo nước này tăng trưởng 6,3% năm nay, so với trung bình toàn cầu là 3,3%.
Tuy nhiên, theo IMF, tăng trưởng cao cũng có những tác động tiêu cực, bao gồm bắt bình đằng gia tăng, đặc biệt giữa thành thị và nông thôn. Trung Quốc cũng đối mặt thách thức về bền vững môi trường, áp lực nhân khẩu học do dân số già đi và di cư nội bộ.
Dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo và cả khí thải
Trung Quốc có tổng công suất điện mặt trời và điện gió nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ba trong số 5 nhà máy điện mặt trời nổi trên nước lớn nhất thế giới nằm ở nước này. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết một hộ gia đình trung bình nước này sẽ dùng gấp đôi lượng điện vào năm 2040 so với hiện nay.
Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than mới vẫn đang hoạt động. Trung Quốc cũng là nước phát thải CO2 liên quan đến năng lượng lớn nhất thế giới. Giai đoạn 2017-2018, con số này tăng 2,5%. Nhưng do dân số đông nên bình quân phát thải CO2 đầu người chưa báo động.
Dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI)
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã nộp 473 trong số 608 bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo lên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới vào năm ngoái. Một phần ba trong số các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ chuỗi khối (blockchain). Chính phủ Trung Quốc được cho là đang đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển AI, bao gồm cả việc tạo ra một công viên phát triển AI trị giá 2 tỷ USD ở Bắc Kinh.
Theo VNE