Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, tính đến ngày 25/6 Bộ TT&TT đã gửi công văn cảnh báo đến 100 nhãn hàng có quảng cáo đăng trên video xấu độc.
Chia sẻ tại cuộc họp, phần lớn doanh nghiệp cho biết đã dừng quảng cáo trên YouTube để rà soát.
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam - cho biết ngay sau khi nhận được cảnh báo từ Bộ TT&TT, doanh nghiệp đã yêu cầu đối tác quảng cáo YouTube có biện pháp xử lý, rà soát lại các kênh đang hoạt động để không lặp lại tình trạng tương tự.
Yamaha Việt Nam cũng khẳng định ngay khi được cảnh báo đã yêu cầu đối tác phải dừng việc quảng cáo trên clip xấu độc. Doanh nghiệp đã ngồi cùng đối tác quảng cáo, làm việc quyết liệt để không tái phạm hiện tượng này.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - cho biết đã phát hiện hơn 55.000 clip xấu độc trên YouTube trong khoảng một năm qua. |
Trước đó nói với PV, đại diện Grab cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của các thương hiệu đang hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. "Chúng tôi đã tạm ngừng chạy các quảng cáo hiển thị trên tất cả trang phát video của YouTube”, vị này nói.
Ở cương vị của đại lý quảng cáo, đại diện Tập đoàn quảng cáo đa quốc gia WPP (chiếm 50% thị phần quảng cáo tại Việt Nam) ủng hộ tất cả chính sách, quy định của Bộ TT&TT nhằm đẩy lùi clip phản động, xấu độc.
Doanh nghiệp này bày tỏ khó khăn của một đơn vị trung gian, không được kiểm soát cũng như ngăn chặn video xấu độc của YouTube.
Ông Nguyễn Khánh Trình - CEO CleverAd - cho biết cảm thấy đau đầu vì tình trạng quảng cáo của khách hàng xuất hiện bên cạnh các clip bẩn.
"Đau đầu vì quảng cáo của khách hàng xuất hiện bên cạnh clip bẩn" Nguyễn Khánh Trình - CEO CleverAd |
Đồng quan điểm này, ông Đào Văn Kính - CEO Đất Việt (chiếm 30% thị phần quảng cáo tại Việt Nam) - cho biết đại lý chịu áp lực rất lớn trong việc đảm bảo an toàn thương hiệu cho nhãn hàng.
“Để giảm thiểu hiện tượng này, chúng sẽ phải tiếp tục làm việc với YouTube, yêu cầu không chỉ gỡ bỏ clip xấu độc mà gỡ bỏ cả kênh”, vị này nói.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho hay hiện cơ quan này đang làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an để đưa ra giải pháp ngăn chặn dòng tiền Google trả cho các video xấu độc.
Giải pháp sắp được hoàn tất, khi đó sẽ đưa hoạt động quảng cáo trở nên minh bạch, hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định không chào đón doanh nghiệp xuyên biên giới kinh doanh nhưng không tuân thủ luật pháp Việt Nam. |
Đại diện Bộ Công an nhấn mạnh Facebook và Google kinh doanh tại Việt Nam thì cần có trách nhiệm với cơ quan chức năng. “Cần yêu cầu họ lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, vừa được pháp luật Việt Nam bảo vệ, đồng thời tuân thủ pháp luật Việt Nam. Chúng ta không phải chạy theo, o bế như hiện nay”, vị này nói.
Đại diện Bộ Công an cũng cho biết thời gian vừa qua, Bộ đã đấu tranh vô hiệu hóa các đối tượng hình sự như Khá Bảnh, làm giảm đáng kể số lượng các kênh video giang hồ mạng xấu độc trên YouTube.
Ngăn chặn dòng tiền các nền tảng xã hội trả cho video xấu độc Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng |
Trong khi đó, đại diện Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch khẳng định cần xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo gắn với clip xấu độc bởi đó chính là nguồn thu để các clip này tăng trưởng. Vị này nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên như Bộ TT&TT, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước.
Là người chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra thông điệp cứng rắn, yêu cầu các bên liên quan thượng tôn pháp luật Việt Nam.
“Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới kinh doanh mà không tuân thủ pháp luật nước sở tại”, Bộ trưởng nói. Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp về pháp lý, kinh tế và kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp.
Những kênh video "bẩn" như giang hồ mạng vẫn được YouTube trao nút vàng, nút bạc, chia sẻ tiền quảng cáo. |
“Ngăn chặn dòng tiền các nền tảng xã hội trả cho video xấu độc, việc này Ngân hàng Nhà nước đang hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để giải quyết”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo thống kê của Bộ, thị trường quảng cáo online tại Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu USD, trong đó hơn 70% (280 triệu USD) đổ vào túi Google, Facebook. Google thu về khoảng 150 triệu USD từ dòng tiền quảng cáo tại Việt Nam nhưng không có đại diện hợp pháp và không nộp thuế.
Ngày 25/6, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi làm việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Chủ trì cuộc làm việc là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Buổi làm việc có sự tham dự của 2 Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công An, đại diện các Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Cục An toàn Thông tin, đại diện của Vụ thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện Tổng cục Thuế. Khách mời tham dự còn có đại diện các thương hiệu quảng cáo trên nền tảng có nội dung xấu độc như Grab, Shopee, Yamaha Việt Nam, FLC, Trường Hải, Sun Group, các đại lý quảng cáo, công ty luật đại diện pháp lý cho Google và một số doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam. |
Theo Zing