TT Trump đến hội nghị G20 trong thế "tung hứng 6 quả banh một lúc"

Thứ tư, 26/06/2019, 14:05
Ông Trump đứng trước bước ngoặt quan trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, khi các chính sách đối ngoại lớn nhất của ông bắt đầu bộc lộ nhược điểm và mâu thuẫn.

Tổng thống Trump đến Nhật Bản hôm 25/6 cho hai ngày họp cùng các nhà lãnh đạo toàn cầu. Ông sẽ gặp gỡ các lãnh đạo G20 trong thời gian quan trọng của chiến dịch tái tranh cử, giữa lúc các chính sách đối ngoại lớn nhất của ông đứng trước bước ngoặt và thời gian đang cạn kiệt để đạt được bước đột phá lớn.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Tổng thống dự kiến gặp các đồng minh và đối thủ quan trọng, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tổng thống Vladimir Putin của Nga, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia và Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ.

Tổng thống Trump bước đến bục phát biểu trong một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 24/6. (Ảnh: Washington Post).

Theo Washington Post, tại đây, ông sẽ cố gắng dàn xếp một hiệp định thương mại khó khăn với Bắc Kinh, củng cố sự hỗ trợ quốc tế trong cuộc đối đầu căng thẳng với Tehran và điều hướng các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Triều Tiên.

Cuộc chiến thương mại đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong khi Mỹ đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột quân sự khác ở Trung Đông. Bất chấp sự tự tin của ông Trump, chiến thuật của ông khiến các nước lo lắng, các nhà lãnh đạo những nước đối tác không chắc chắn về con đường mà vị Tổng thống cứng rắn và bốc đồng hướng đến.

Thử thách quan trọng

Kết quả cuối cùng là sau 2 năm rưỡi trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump đang phải đối mặt với một thử thách quan trọng trong chương trình nghị sự "nước Mỹ trên hết".

Mỹ xa rời các đồng minh truyền thống do tranh chấp chi tiêu thương mại và quốc phòng, đồng thời tách khỏi sự đồng thuận toàn cầu về cách đối phó với biến đổi khí hậu và chương trình hạt nhân của Iran.

Từng chế nhạo những cam kết đa phương để ủng hộ cách tiếp cận độc lập, việc ông Trump ưu tiên ngoại giao giữa từng lãnh đạo và nghe theo bản năng sắc lạnh thay vì sự chuẩn bị kỹ càng đã khiến ông rơi vào tình thế bấp bênh.

Ông Tập giữ lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại bất chấp cuộc chiến thuế quan leo thang. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ chối yêu cầu của ông Trump về việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân đầy đủ của mình để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.

Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei của Iran thẳng thừng từ chối lời đề nghị đàm phán của ông Trump sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau lần gần nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào tháng 12/2018. (Ảnh: AP).

"Chúng ta đang bước vào giai đoạn thứ ba trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump", Thomas Wright, nhà phân tích tại Viện Brookings, cho biết.

Wright chỉ ra rằng những ngày đầu của chính quyền, ông Trump bị bao vây bởi những nhân vật dày dạn, bảo thủ trong nội các của mình, đây là giai đoạn tương đối hạn chế. Năm tiếp theo, ông trở nên táo bạo hơn và tìm cách định hình các vấn đề toàn cầu mạnh mẽ hơn.

"Giờ đến phần kết quả - trong đó ông ấy phải đối mặt với hậu quả của những lựa chọn của chính mình và những mâu thuẫn của chúng. Tôi nghĩ rằng ông ấy vẫn có một chút khoảng trống vì nước Mỹ đang rất mạnh nhưng về Iran, Trung Quốc, Venezuela và một loạt vấn đề khác, ông ấy phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn hơn", ông Wright nói.

Các trợ lý bác bỏ quan điểm cho rằng Tổng thống đang cảm thấy áp lực phải nhanh chóng giải quyết một số sáng kiến chính sách đối ngoại lớn của mình hoặc ông đang quay cuồng dưới sức nặng của rất nhiều yêu cầu cạnh tranh.

Về Trung Quốc, ông Trump nói trong bài phát biểu tại cuộc mít-tinh khởi động chiến dịch của mình ở Orlando tuần trước rằng ông đang nhắm đến "một thỏa thuận tốt và một thỏa thuận công bằng" nhưng ngay cả khi thỏa thuận không thành thì "cũng không sao".

Về Triều Tiên, ông tiếp tục liên lạc với ông Kim thông qua thư cá nhân nhưng các trợ lý nhấn mạnh rằng Tổng thống vẫn duy trì trừng phạt kinh tế.

Ván cược trước nhiệm kỳ hai

Tổng thống nhận thức sâu sắc về cách các ván cược quốc tế của mình tác động tới chiến dịch tranh cử. Ông đang theo dõi chặt chẽ vòng loại sơ bộ của đảng Dân chủ, nhạy cảm với triển vọng rằng một thỏa thuận không hoàn hảo với Bắc Kinh hoặc Bình Nhưỡng có thể phá hỏng năm tới và khiến ông bị chỉ trích trong trung tâm của chiến dịch.

Tổng thống nói rằng ông đã cho phép tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu của Iran sau khi nước này bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, nhưng sau đó Tổng thống rút lại quyết định vì lo ngại sẽ có quá nhiều thương vong.

Có lẽ, ông Trump nhận thức được rằng một cuộc xung đột lớn có thể nhấn chìm Mỹ vào các mâu thuẫn quân sự kéo dài ở nước ngoài, điều mà ông phản đối trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, trong các đấu trường khác, chính quyền đã thua cược. Nhà Trắng đã lớn tiếng ủng hộ nỗ lực của nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó nhằm lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro ở Venezuela.

Nỗ lực trong hai năm của Nhà Trắng, do cố vấn cấp cao Jared Kushner dẫn đầu, để môi giới cho kế hoạch hòa bình ở Trung Đông đã thất bại, với cả đại diện chính phủ Palestine và Israel dự kiến tẩy chay một hội nghị đầu tư kinh tế khu vực vào tuần này tại Bahrain.

Trong khi đó, nhiều sáng kiến thương mại của ông Trump bị đình trệ. Ông đang chờ đợi đảng Dân chủ quyết định có chấp thuận thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada hay không.

Ông đã ngăn chặn các mối đe dọa về thuế quan tự động đối với Liên minh châu Âu và Nhật Bản nhưng bắt đầu đàn áp hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, chứng tỏ rằng chủ trương bảo hộ của ông Trump vẫn đang mở rộng.

David Dollar, cựu quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính tại Bắc Kinh trong thời chính quyền Obama, ví tình thế hiện tại của ông Trump như một người tung hứng và nói rằng "rất khó giữ sáu quả bóng trên không".

Dollar cho rằng tất cả sự không chắc chắn trong cách tiếp cận thương mại của Nhà Trắng có thể đóng băng đầu tư kinh doanh và gây tổn hại cho nền kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng sẽ mất vài tháng trước khi có thể xác định liệu chiến lược này có hiệu quả hay không.

Vấn đề phức tạp hơn là các nước nhận thấy thời gian tại nhiệm của ông Trump tính đến năm 2020 không còn nhiều và không đáng để chấp nhận rủi ro, đặc biệt khi ông Trump đã thất bại trong việc thực hiện nhiều mục tiêu chính của mình.

Theo Zing

Các tin cũ hơn