|
Mâu thuẫn Mỹ - Trung khiến G20 đánh mất vai trò trong nhiều vấn đề chung của toàn cầu |
Bất kỳ tiến bộ nào đạt được tại sự kiện ở Argentina năm ngoái cũng rất ngắn ngủi, và dù thỏa thuận đình chiến trong 90 ngày được thống nhất giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng ngay sau khi nó hết hạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng gấp đôi mức thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và cấm cửa Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Một bài viết đăng trên báo SCMP ngày 24/6 nói rằng thượng đỉnh G20 nay giống biểu tượng của một thế giới ngày càng phân cực và chia rẽ hơn là nỗ lực vá víu những khác biệt về toàn cầu hóa và sự thích hợp của hệ thống thương mại quốc tế từ sau Thế chiến 2.
Khi 20 cường quốc kinh tế thế giới gặp lại nhau tại Osaka, Nhật Bản, vào tuần này, câu hỏi đang được đặt ra là liệu G20 có còn là “một diễn đàn hàng đầu vì hợp tác kinh tế quốc tế” trong một thế giới không có lãnh đạo ngày nay hay không.
Đây là năm thứ hai liên tiếp diễn đàn đa phương này bị phủ bóng bởi cuộc chiến thuế quan ngày càng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như quan hệ ngày càng gay gắt của họ, vào thời điểm mà trật tự kinh tế quốc tế đang sụp đổ rất cần được xốc lại.
Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối mặt với những thách thức chưa từng có từ bên trong, đặc biệt là chương trình hành động “Mỹ là trên hết” của ông Trump.
Các nhà ngoại giao và giới phân tích nói lo lắng lớn dần kể từ hội nghị G20 vào tháng 12 năm ngoái, khi các cường quốc bị kéo vào cuộc xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong lĩnh vực thương mại cũng như những vấn đề địa chiến lược như Biển Đông, Đài Loan và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.
Hai hổ không thể chung chuồng
Với một nước Mỹ dưới thời ông Trump đang rút khỏi vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu, một câu hỏi được đặt ra là liệu có một sự quản trị toàn cầu nếu vắng Mỹ hay không, và Trung Quốc hay như EU hay Nhật Bản có thể lấp khoảng trống do Mỹ để lại để duy trì ý nghĩa của G20 hay không.
Ông Yan Xuetong, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế tại ĐH Thanh Hoa, cho rằng sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai siêu cường khiến Mỹ và Trung Quốc không thể làm việc cùng nhau trong cùng một cơ cấu lãnh đạo chung mang tên G20.
“Khi không có sự lãnh đạo toàn cầu, quản trị toàn cầu sẽ không thể tránh khỏi trì trệ. Vì thế thập kỷ tới có khả năng sẽ chứng kiến ít tiến triển hơn về hợp tác trong những vấn đề như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, giải quyết di cư bất hợp pháp và buôn bán người”, báo SCMP dẫn lời ông Yan.
Ông Louis Kuijs, một cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới, cho rằng quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington đưa họ vào lộ trình xung đột, và làm mất ý nghĩa của G20. “G20 là về hợp tác và phối hợp quốc tế. Trong một thế giới dường như đang tiến đến cạnh tranh và đối đầu, ý nghĩa và tác động của G20 chắc chắn ở mức thấp”, ông nói.
Dù ông Trump và ông Tập đã đồng ý gặp nhau tại Osaka trong tuần này, dư luận ít kỳ vọng vào kết quả vì hai bên vẫn thiếu lòng tin, ngay cả khi họ gọi nhau là “bạn”.
Bận tâm với nhiều vấn đề trong nước, cả ông Tập lẫn ông Trump đều sẽ không có động lực để đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề như biến đổi khí hậu hay khủng hoảng giải quyết tranh chấp ở WTO, đặc biệt khi họ phải chấp nhận nhượng bộ lớn vì sự ổn định toàn cầu.
Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Anh Ma Zhengang cho rằng không nên kỳ vọng nhiều vào thượng đỉnh G20 lần này, nhất là khi quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức rất thấp. “Dù chúng tôi vẫn sẵn sàng nối lại đàm phán dựa trên nguyên tắc công bằng và cùng có lợi, nhưng cũng không nên chờ đợi sẽ sớm có tiến bộ lớn, vì chúng tôi vẫn chưa thấy các dấu hiệu cho thấy phía Mỹ muốn giải quyết căng thẳng một cách hòa bình”, ông Ma nói với SCMP.
Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh rất được chờ đợi của lãnh đạo Mỹ - Trung trong tuần này, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn hôm qua nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc sẽ đều phải thỏa hiệp và lùi bước mới đạt được kết quả.
“Công bằng và cùng có lợi nghĩa là các tham vấn phải diễn ra trên cơ sở bình đẳng, và thỏa thuận đạt được sẽ có lợi cho cả hai bên. Nhất trí với nhau nghĩa là cả hai bên đều phải thỏa hiệp và nhượng bộ, chứ không chỉ một bên”, Reuters dẫn lời ông Vương. Nhưng quan chức này không trả lời câu hỏi rằng ông Tập muốn có nhượng bộ cụ thể nào để đi đến một thỏa thuận thương mại với ông Trump. Phía Trung Quốc cho biết nhóm làm việc của hai nước đang xúc tiến chuẩn bị cho cuộc gặp của ông Trump và ông Tập.
Theo Tiền Phong