|
Dự án nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM đang dậm chân tại chỗ. |
Diện tích đất xây nhà vệ sinh là đất công, nên gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục giao đất. |
Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tiên Phong là đơn vị đã trình UBND TP.HCM đề án NVSCC kết hợp ki-ốt đa năng bằng phương thức xã hội hóa.
Tại các NVSCC này có thể lắp đặt các cây ATM của ngân hàng, triển khai thành điểm thanh toán tiền điện, nước, điện thoại... Tất cả các dịch vụ này có khả năng tạo nguồn thu để có chi phí vận hành và bảo trì.
Mục tiêu của Công ty Môi trường Tiên Phong là lắp đặt gần 500 NVSCC tự động, dùng năng lượng mặt trời kèm theo ki-ốt đa năng, phục vụ miễn phí nhu cầu vệ sinh cho người dân và du khách.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường Tiên Phong thừa nhận, dự án là thế nhưng đã chậm triển khai 3 năm qua.
Theo ông Sáng, chủ trương của UBND TPHCM đã thông qua, các Sở, ban ngành liên quan đều thống nhất triển khai dự án, nhưng khi thực hiện thì vướng mắc ở khâu giao đất.
"Về vốn đầu tư và huy động các doanh nghiệp xã hội hóa đều đã có. Tuy nhiên, vướng mắc tại Sở TNMT trong công tác giao đất để lắp đặt NVSCC. Sở cho rằng đất lắp NVSCC là đất công nên phải tổ chức đấu thầu, nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức đấu thầu được. Khó khăn chủ yếu là kinh phí đầu tư, chúng tôi đã vượt qua, chỉ chờ việc giao đất để lắp đặt thi công, nhưng chưa nhận được hồi âm" - ông Sáng nói.
Ông Sáng cung cấp thêm thông tin về nguyên nhân dẫn đến dự án "dậm chân tại chỗ" chính là việc sử dụng đất công để lắp đặt NVSCC có quan điểm "chưa đúng".
"Không nên đưa danh mục NVSCC vào cùng danh mục sử dụng đất công như các công trình xây dựng khác, bởi mỗi NVSCC chỉ chiếm diện tích vài chục m2 tại các công viên và có thể di dời đi chỗ khác bất kỳ lúc nào nếu cần. Cần có cơ chế riêng cho việc cấp đất xây NVSCC, vì đây là công trình phục vụ cộng đồng chứ không phải kinh doanh, thương mại như những công trình khác" - ông Sáng đề xuất.
Theo Lao Động