Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ở Tehran tháng 10/2017. (Ảnh: Reuters).
Tháng 5/2018, khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có tên Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) giữa Iran với 6 cường quốc (Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Đức) và Liên minh châu Âu, ông mỉa mai thỏa thuận này rằng: "Nó chẳng mang lại yên ổn, chẳng mang lại hòa bình và sẽ không bao giờ mang lại những thứ đó".
Một năm sau, chính quyền Trump chứng kiến các vụ tấn công nhằm vào 4 tàu dầu ở vịnh Ba Tư hồi tháng 5, vụ tấn công hai tàu dầu ở vịnh Oman vào tháng này và Iran bắn hạ máy bay không người lái (UAV) của Mỹ vào tuần trước. Trong một tháng qua, đường ống dẫn dầu cùng với một số sân bay dân sự ở Arab Saudi cũng trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân Hồi giáo Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen. Một số căn cứ quân sự Iraq có binh sĩ và nhà thầu quốc phòng Mỹ đồn trú bị tấn công bằng rocket.
Rodger Shanahan, chuyên gia về an ninh Trung Đông tại viện Lowy, cho rằng các diễn biến trên cho thấy hành động đơn phương rút khỏi JCPOA của Mỹ "cũng không mang lại yên ổn hay hòa bình". Trump tuyên bố duy trì chính sách "gây sức ép tối đa" với Iran, nhưng nó dường như là tổng hợp của một loạt chiến thuật không nhất quán.
Trong khi đó, lập trường của giới lãnh đạo Iran khá rõ ràng. Họ từ chối tái thương lượng JCPOA với Mỹ và lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm 12/6 ở Tehran rằng ông không tin Trump sẵn sàng đàm phán nghiêm túc.
Iran đã gia tăng dần mức độ quyết liệt khi đối phó với Mỹ. Washington cáo buộc họ tấn công các tàu dầu không chở hàng hồi tháng 5 rồi chuyển sang tấn công các tàu chở đầy ắp nhiên liệu trong tháng 6. Hơn một tuần sau, Iran bắn hạ UAV Mỹ trên eo biển Hormuz.
Để đáp trả, Trump ban đầu ra lệnh tiến hành không kích vào ba mục tiêu quân sự của Iran hôm 20/6. Nhưng chỉ 10 phút trước khi khai hỏa tên lửa, Trump đột ngột rút lại mệnh lệnh, khi cho rằng hành động quân sự là "không đáng" vì có thể khiến 150 người Iran thiệt mạng.
Sau tuyên bố hủy không kích của Trump, các tướng Iran dường như tự tin hơn trong các phát ngôn của mình, liên tục đe dọa sẽ hủy diệt lực lượng và căn cứ quân sự Mỹ cùng đồng minh ở Trung Đông nếu xung đột nổ ra, thậm chí tuyên bố sẽ tiếp tục bắn hạ UAV Mỹ.
Trên mặt trận ngoại giao, Tehran cũng tìm cách gây sức ép lớn với các nước châu Âu bằng cách đe dọa sau ngày 7/7, nước này sẽ ngừng tuân thủ một số khía cạnh nhất định trong JCPOA, trừ khi các cường quốc châu Âu đưa ra một cơ chế tài chính cho phép Tehran tiếp tục giao dịch với các công ty nước ngoài mà không hứng chịu hậu quả từ biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Không chắc liệu việc Iran phá vỡ một số điều kiện của JCPOA có tự động khiến thỏa thuận này bị vô hiệu hoá hay không. Tehran có thể lập luận rằng JCPOA cho phép Iran chấm dứt tuân thủ một số điều khoản của thỏa thuận này nếu Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran. Tehran cũng có thể bào chữa rằng việc Mỹ đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt là nguyên nhân khiến Iran không thể bán uranium được làm giàu ở nồng độ thấp, khiến họ phải tích trữ quá mức cho phép.
Việc Iran cho phép các thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp tục tiếp cận các cơ sở hạt nhân nước này có thể tạo ra động lực để các bên ký kết JCPOA tiếp tục đối thoại với Iran.
Trong ngắn hạn, Tehran sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ năm 2020 và có thể kết luận rằng nếu một ứng viên phe Dân chủ đắc cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm sau, đó là cơ hội tốt nhất để nước này được nới lỏng lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, trong trường hợp Trump tái đắc cử, giới lãnh đạo Iran phải cân nhắc lại cách tiếp cận và có thể tính đến khả năng có thay đổi nhân sự trong chính quyền mới.
Tình hình càng phức tạp hơn khi có khả năng trong 18 tháng tới, một lãnh tụ tối cao mới sẽ lên cầm quyền ở Tehran vì có đồn đoán rằng sức khỏe của ông Ayatollah Ali Khamenei đang suy giảm.
Nhưng 18 tháng là thời gian dài trên chính trường và nhiều chuyện có thể xảy ra, đặc biệt là khi chính quyền Trump dường như thiếu một chiến lược xuyên suốt với Iran.
Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran vào thời điểm Tổng thống Trump bổ nhiệm John Bolton vào ghế Cố vấn An ninh Quốc gia. Bolton là người có quan điểm cứng rắn với Iran và từng nhận hàng chục nghìn USD để phát biểu tại các hội nghị được tổ chức bởi nhóm vũ trang chính trị Mujahideen-e-Khalq kêu gọi lật đổ chính quyền Iran.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra danh sách 12 yêu cầu Iran phải thực hiện nếu muốn tránh các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, hôm 21/6, Trump tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran mà không cần đặt ra điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, Iran tin rằng nước này đang giữ lợi thế ngoại giao và có thể tiếp tục chính sách phản ứng ngày càng quyết liệt trước sức ép của Mỹ bằng những hành động có thể chối bỏ hoặc khó quy kết trách nhiệm.
Tính toán của giới lãnh đạo Iran hiện nay là Trump đang thiếu sự ủng hộ rộng rãi của các đồng minh. Trump luôn chỉ trích việc Mỹ can thiệp quân sự ở Trung Đông nên ông không muốn sử dụng phương án quân sự trừ phi Iran đi quá ngưỡng giới hạn.
"Vấn đề đối với Tehran là không một lãnh đạo nào của họ biết chắc chắn lằn ranh đỏ đó là gì hay Trump ngần ngại can thiệp quân sự đến mức nào", Shanahan viết.
Trump là một lãnh đạo khó đoán nên việc Iran tin rằng họ có thể có những hành động dồn ép quyết liệt hơn và Trump sẽ không có phản ứng quân sự là một tính toán đầy nguy hiểm.
Khi thông báo rút Mỹ khỏi JCPOA, Trump đã dự đoán được cách phản ứng của Iran. "Các lãnh đạo Iran dĩ nhiên sẽ nói rằng họ từ chối đàm phán một thỏa thuận mới. Và điều đó cũng chẳng sao. Tôi chắc cũng nói điều tương tự nếu tôi ở trong tình thế của họ", Trump nói.
"Tuy nhiên, điều không may đối với Washington là sau hơn một năm họ gây sức ép tối đa, giọng điệu của Tehran vẫn không thay đổi", chuyên gia Shanahan viết.