Mong chờ gì ở cuộc gặp Trump-Tập bên lề thượng đỉnh G20?

Thứ hai, 24/06/2019, 13:36
Không đạt được thỏa thuận thương mại có thể khiến Mỹ và Trung Quốc biến căng thẳng hiện tại thành một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Trong quá khứ không xa lắm, các hội nghị thượng đỉnh "G" luôn là nơi để những vấn đề bức thiết và nghiêm trọng được thảo luận trong các cuộc đối thoại nghiêm túc, giữa những nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ dường như đã thêm "gia vị" cho nghệ thuật đàm phán thượng đỉnh quốc tế này.

Khi các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 quốc gia chuẩn bị tập trung tại Nhật Bản vào ngày 28-29/6, ông Trump một lần nữa gây sự chú ý. Những đe dọa của ông nhằm leo thang xung đột thương mại với Trung Quốc thành cuộc chiến kinh tế toàn diện đã biến hội nghị thượng đỉnh Osaka trở thành một hệ quả có thể gây tranh cãi, kể từ những hệ quả xung quanh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: The Epoch Times)

Như thể nguy cơ chưa đủ cao, ông Trump còn hướng nòng súng thương mại nhắm vào Liên minh châu Âu và Nhật Bản, đe dọa thuế quan tự động, chỉ trích công khai chính sách tiền tệ của khu vực đồng euro và Trung Quốc.

Đối với tất cả những điều đó, sự kiện lớn nhất ở Osaka có thể sẽ là cuộc gặp bên lề giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình, với những con mắt sát sao từ thị trường tài chính. Sau khi hạ tông giọng về cuộc gặp, ngày 18/6, ông Trump đã nâng cao kỳ vọng cộng đồng khi nói rằng đã có một cuộc trò chuyện qua điện thoại rất tốt với ông Tập, và sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ tổ chức họp "mở rộng" trong khuôn khổ thượng đỉnh.

Kịch bản tốt nhất được các quan chức và nhà phân tích từ cả hai quốc gia đưa ra là cuộc họp có thể tạm dừng các mức thuế mới của Mỹ, và nối lại các cuộc đàm phán đã bị phá vỡ vào tháng 5. Một "thỏa thuận ngừng bắn" khác nghe có vẻ kéo dài sự không chắc chắn của năm qua, nhưng ít nhất sẽ mang lại hy vọng hòa bình ngắn hạn.

Trong khi đó, kịch bản tồi tệ nhất sẽ là căng thẳng thương mại sôi sục thành một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nếu cuộc họp trật bánh trước khi bắt đầu hoặc hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận vững chắc, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất, tất cả kéo theo thị trường tài chính sụp đổ và làm chậm tăng trưởng toàn cầu.

Khả năng thứ hai này không thể bác bỏ hoàn toàn. Thực tế, hai nhà lãnh đạo đã có những cách tiếp cận khác nhau trong đàm phán, điều gây ra cho họ những vấn đề. Ông Trump, với phong cách tự do của mình, thích giữ cho mọi người trên bàn đàm phán mất cân bằng. Ông Tập được coi là thận trọng hơn rất nhiều, và những người xung quanh ông đều không muốn đưa ông vào một cuộc họp mà kết quả chưa được chuẩn bị cẩn thận.

Điều mà một số người ở Trung Quốc nhìn thấy là cách tiếp cận "bắt nạt" của ông Trump, cũng có thể khiến ông Tập khó khăn hơn trong việc đáp ứng yêu cầu cải cách của Mỹ đối với mọi thứ, từ trợ cấp công nghiệp đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Theo Robert Daly, một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà cựu ngoại giao người Mỹ, người hiện đang làm việc tại Trung tâm Wilson ở Washington, bằng cách "tuyên bố công khai rằng ông Tập không còn sự lựa chọn", ông Trump đã khiến ông Tập xấu hổ thay vì lôi kéo nhà lãnh đạo Trung Quốc hành động như ý mình. Nhà lãnh đạo Trung Quốc càng bị hạn chế bao nhiêu ông càng ít có khả năng thực hiện một thỏa thuận mà có thể bị xem là "đầu hàng" bấy nhiên, các nhà phân tích tại Bắc Kinh lập luận.

Matthew Goodman, người từng chuẩn bị cho cựu Tổng thống Barack Obama tại các hội nghị thượng đỉnh G-7 và G-20, nói rằng vẫn còn quá sớm để gọi tình hình là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Ngay cả khi ông Trump đã tăng nhiệt với Trung Quốc và các "đại diện" như công ty công nghệ khổng lồ Huawei Technologies Co., vẫn có thể mục tiêu nhắm tới như đã xảy ra trong 40 năm qua, theo Goodman.

Clete Willems, người từng có vai trò tương tự Goodman, lạc quan rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến một thỏa thuận vào cuối năm nay. Nó là mối quan tâm ở cả hai quốc gia, và những đe dọa leo thang gần đây về thuế quan từ ông Trump liên quan đến việc thúc đẩy một thỏa thuận, hơn là một sự chia rẽ, chuyên gia nói.

"Miễn là chính quyền vẫn tập trung vào Trung Quốc và tránh vô tình làm suy yếu sự hỗ trợ cho chiến lược Trung Quốc của họ bằng cách tăng thuế đối với các nước khác, tôi nghĩ rằng việc thể hiện sức mạnh giúp khuyến khích Trung Quốc thực hiện thỏa thuận."

Manh mối lớn về cách tiếp cận của Mỹ được cho là xuất hiện trong một bài phát biểu ngày 24/6 của Phó Tổng thống Mike Pence. Nếu ông Pence lặp lại bài phát biểu diều hâu mà ông đưa ra năm ngoái tại Viện Hudson ở Washington, trong đó tầm nhìn về xung đột bao trùm Trung Quốc, điều đó sẽ báo hiệu rằng ông Trump không quan tâm đến thỏa hiệp. Tuy nhiên, bài phát biểu đã bị hoãn lại "do kết quả tiến bộ" trong cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, theo một tuyên bố từ Trung tâm Wilson, nơi ông Pence dự định phát biểu.

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đang đối mặt với những rắc rối kinh tế và chính trị tại quê nhà, giới hạn khả năng điều động các nguồn lực. Nếu nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, một cuộc chiến thương mại sâu rộng sẽ gây ra hậu quả đau đớn hơn.

Tất nhiên, vẫn chưa rõ phương pháp của ông Trump có đủ sức mạnh như ông tin tưởng. Thuế quan của ông ngày càng không được ưa chuộng và thiệt hại từ chúng bắt đầu xuất hiện với chính nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Trump và ông Tập mỗi người phải đối mặt với những áp lực đối nghịch trong nước: phải đứng vững và giải quyết cuộc chiến trước khi các nền kinh tế bị phá hủy.

Nhìn chung, một "thỏa thuận ngừng bắn" có thể xuất hiện ở Osaka. Dù vậy, biến nó thành "thỏa thuận hòa bình" có lẽ vẫn còn muôn vàn khó khăn.

Theo VTC

Các tin cũ hơn