|
Những Fanpage, website mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước |
Hiểm họa
Theo đánh giá của ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, tin giả đang lan tràn khắp nơi và đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống; ảnh hưởng đến từng cá nhân, từng doanh nghiệp, từng cơ quan tổ chức. Các chuyên gia nói rằng tin giả thậm chí có thể gây tác động tiêu cực đến cả xã hội, đến nền kinh tế và thậm chí đối với cả thể chế. Dự đoán trong thời gian tới, khi công nghệ cao, kể cả sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được lợi dụng nhiều hơn nữa trong quá trình sản xuất tin giả, thì khối lượng tin giả sẽ còn tăng với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều. Tin giả và đối phó tin giả giống như trò đuổi bắt vô định mà mỗi bên đều cố gắng sử dụng những công cụ tinh vi nhất; kết quả là người đuổi càng nhanh thì người chạy còn nhanh hơn.
“Tôi chưa nhìn thấy khả năng tin giả giảm bớt trong tương lai gần, nên chúng ta phải chấp nhận “sống chung với lũ” trong khi tìm mọi cách đối phó; từ những biện pháp cụ thể nhất cho đến những phương cách mang tính lâu dài”, ông Minh nói.
Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam cả tin?
Một lãnh đạo Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho biết, không gian mạng đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích tốt nhưng cũng mang lại thách thức to lớn đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Điều đáng nói, Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, tội phạm phát triển nhanh, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm trên mạng. Luật An ninh mạng ra đời nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ an ninh mạng nói trên. Nhưng vừa qua đã có hàng loạt tin giả được tung lên không gian mạng, gây xôn xao dư luận. Thực tế cho thấy người dùng mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thông tin vu khống, bịa đặt trên mạng; trong khi đó xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng gia tăng.
"Thực tế cho thấy người dùng mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thông tin vu khống, bịa đặt trên mạng; trong khi đó xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng gia tăng". Ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam |
Vị lãnh đạo này chỉ rõ: tin giả có thể núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau; có tin giả gây ảnh hưởng uy tín của người khác, gây hoang mang dư luận, câu view, giả mạo cá nhân hoặc cơ quan tổ chức, chống phá nhà nước... Nếu người sử dụng mạng xã hội thông minh họ biết phân biệt tin thật giả thì không sao, nhưng có một bộ phận chỉ cần thấy thông tin đó là chia sẻ và bình luận mà không quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay sự thật.
Những thông tin giả được lan truyền rất nhanh trên mạng gây nhiều hệ lụy. Mỗi thông tin trên mạng xã hội đưa ra rất nhanh, báo chí khó có thể đua về tốc độ. Tuy nhiên báo chí luôn có tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp. Mỗi nội dung thông tin được báo chí chính thống đưa ra khiến bạn đọc yên tâm, tin tưởng. Tin giả gây ra những hệ lụy to lớn, tuy nhiên theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, mức phạt với thiệt hại do tin giả chưa tương xứng.
“Điều đầu tiên phải có công nghệ để xác định gốc của nguồn tin bắt đầu từ đâu, lịch sử lan truyền qua những kênh nào. Sau khi xác định được nguồn tin liên quan, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan quản lý sẽ yêu cầu các MXH như Facebook hay YouTube gỡ thông tin. Nhưng nếu tin giả nhắm vào cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp thì mức độ ảnh hưởng nhiều và xử lý chậm hơn. Vì thế, các tổ chức hay doanh nghiệp phải có bộ phận xây dựng kịch bản phản ứng, tránh tình trạng bị động, ngăn ngừa đốm lửa bùng lên thành đám cháy”, ông Thắng nói.
Luật sư (LS) Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn LS tỉnh Bình Phước) phân tích, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Đó là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Mọi thông tin không đúng sự thật, tin giả đều bị nghiêm cấm đưa lên mạng xã hội, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Theo LS Nam, điểm d, khoản 1 điều 8 luật An ninh mạng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng. Cụ thể, tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân; gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội; gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ phạm tội. Một nghiên cứu về tình hình tin tức giả mạo thực hiện tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, TP.HCM cho biết, có 63% người dân ở 2 TP công nhận đã tiếp xúc với các tin tức giả mạo trong vòng 3 tháng vừa qua. 65% trong số họ tiếp xúc tin giả ít nhất 1 lần 1 tuần. Trong số tất cả các phương tiện truyền thông người dân tiếp xúc với tin giả, nhiều nhất qua các kênh truyền thông online, gồm MXH và các website tin tức. |
Theo Thanh Niên