Tuần tới Châu Âu đón đợt nắng nóng khủng khiếp chưa từng có

Chủ nhật, 23/06/2019, 10:46
Châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng trong tuần tới sẽ hứng chịu một đợt nắng nóng bất thường với nhiệt độ ban ngày có thể lên tới 40°C, ban đêm 25°C.

Nắng nóng khiến các bãi biển đông nghịt người. Ảnh: Reuters

Theo Accuweather, phần lớn Châu Âu sẽ có ít nhất một ngày nhiệt độ cao kỷ lục trong tuần tới, đặc biệt là các khu vực xung quanh miền Nam nước Đức, miền Đông nước Pháp, Thụy Sĩ, miền Bắc Italy và Áo .

Đợt nắng nóng sắp tới được dự báo là đợt nắng nóng nguy hiểm. Vùng áp suất lớn tại trung tâm châu Âu và cơn bão trên biển Đại Tây Dương dự kiến sẽ kéo không khí nóng từ phía Bắc châu Phi về.

Chia sẻ trên Independent, chuyên gia Dominik Jung người Đức cho biết đợt nắng nóng này chưa hề xảy ra trước đó, khí nóng từ sa mạc Sahara thổi trực tiếp tới châu Âu và mặt trời toả mức nhiệt độ cao nhất. "Tôi chưa bao giờ thấy bản đồ thời tiết có mức nhiệt độ này kể từ khi bắt đầu công việc là một nhà khí tượng từ năm 2002".

Nhiệt độ sẽ tăng vào thứ hai và tiếp tục tới thứ sáu với nguy cơ xuất hiện sóng nhiệt với nhiệt độ cao bất thường. Các chuyên gia cảnh báo hiện tượng nóng kỷ lục này có thể gây nguy hiểm cho người già và trẻ em.

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, năm 2018 là một trong ba năm nóng nhất được ghi nhận ở châu Âu.

Hậu quả của biến đổi khí hậu

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, đợt nóng bất thường này là hệ quả của những tác động của biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Friederike Otto, Phó giám đốc Viện Thay đổi Môi trường tại Đại học Oxford cho biết, biến đổi khí hậu làm trái đất trở nên nóng hơn. "Những gì từng được coi là thời tiết nắng nóng kỷ lục sẽ dần trở nên phổ biến", Tiến sĩ Friederike Otto từng cảnh báo.

Hiện chưa biết là đợt nóng sẽ kéo dài bao lâu. Cục Khí tượng Pháp tạm thời dự báo là đợt nóng sẽ kéo dài tối thiểu là 6 ngày, từ 24.6 đến 29.6. Kể từ thứ ba, 25.6, nhiệt độ sẽ lên tới từ 35 đến 40°C.

Đợt nóng lần này càng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu, được thể hiện rõ trong mùa hè của những năm gần đây tại Pháp. Trong hai năm 2016 và 2017, nhiệt độ cao nhất trong năm được ghi nhận vào tháng 6, cuối tháng 8 hoặc tháng 9, trong khi trước đây giai đoạn từ tháng 7 đến giữa tháng 8 là nóng nhất.

Hiệp định Paris 2015 đề ra mục tiêu kiềm giữ mức tăng nhiệt độ trên Trái đất dưới 2°C, và nếu được thì dưới 1,5°C, để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu (nóng bức, hạn hán, cuồng phong, mức nước biển dâng cao… ).

Nhưng theo các kịch bản của Cục Khí tượng Pháp, nhiệt độ trên hành tinh của chúng ta có thể tăng thêm 2°C vào giai đoạn 2071-2100, thậm chí có thể tăng 4°C.

Các đợt nóng sẽ gia tăng ngay từ năm 2021 và sẽ nhiều gấp từ 2 đến 3 lần từ đây cho đến giữa thế kỷ 21.

Theo LĐO

Các tin cũ hơn