|
Cà phê là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực và sẽ được hưởng ưu đãi ngay khi EVFTA có hiệu lực |
EVFTA gắn kết Việt Nam và châu Âu chặt chẽ hơn, thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư, đem lại nhiều lợi ích tích cực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng cả Việt Nam và châu Âu (EU). Khác với FTA khác, EVFTA yêu cầu mở cửa thị trường với gần như 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm thuế quan trong vòng 7 năm và ngay sau năm 2020, hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 - chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Không chỉ cắt giảm về thuế quan, EVFTA là hiệp định rất toàn diện, trải rộng từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ... Tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị mới. EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, nền tảng để hướng tới phát triển, tiến bộ xã hội. Với EVFTA, vị thế của Việt Nam cũng sẽ mạnh lên nhiều, trở thành quốc gia có trách nhiệm...
Với 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đồng thời, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Đặc biệt, với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế sau một lộ trình ngắn, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết. Bên cạnh các cơ hội đáng kể về kinh tế, Việt Nam và EU cũng thống nhất về các biện pháp phát triển bền vững mạnh mẽ.
Với kim ngạch xuất khẩu 42 tỉ USD, mức tăng trưởng cao (17% năm 2018) và tính tương tác, bổ sung lớn, tạo nên dư địa cho hợp tác, xuất khẩu có ý nghĩa. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên minh châu Âu trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Với EVFTA, toàn bộ sản phẩm xuất khẩu chính, mũi nhọn của Việt Nam gồm nông sản như gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi từ năm đầu. Tiếp đó dệt may, da giày, đồ gỗ, tin học và ngành mới như ôtô, hóa dầu sẽ được nhiều ưu đãi trong các năm tới.
Đối với mặt hàng nông sản, Việt Nam hiện có nhiều công ty đa quốc gia đang đầu tư phát triển nông sản chất lượng cao như Bayer. Là một tập đoàn toàn cầu có nguồn gốc từ Cộng hòa Liên bang Đức, hiện diện trên 90 quốc gia trên toàn thế giới, thương mại quốc tế là điều thiết yếu cho hoạt động kinh doanh của Bayer. Hoạt động kinh doanh của Bayer phụ thuộc vào chuỗi giá trị đa dạng với các hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại nhiều nơi, sản xuất phân bổ rộng về mặt địa lý và các môi trường pháp lý phần lớn được quốc hữu hóa.
Nhiều năm qua, Bayer đã ứng dụng các phát minh và biện pháp kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững. EU hiện là thị trường lớn thứ hai của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, hạt điều và hồ tiêu. Đây cũng là những mặt hàng được Bayer Việt Nam đầu tư nghiên cứu giúp người nông dân sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đại diện Bayer Việt Nam cho biết, Bayer đang mong chờ các cải cách thêm về thể chế và chính sách thông qua trong việc thực hiện EVFTA, qua đó tạo ra các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ các lợi thế và tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nông nghiêp một cách bền vững.
“Là một công ty đi đầu trong sáng tạo trên toàn cầu, Bayer sẵn sàng hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ Việt Nam và các đối tác liên quan nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động của Chính phủ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp, góp phần đảm bảo thực thi hiệu quả các thỏa thuận của EVFTA”, đại diện Bayer thông tin.
Theo Tiền Phong