CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố đánh giá triển vọng thị TTCK. Theo BSC, dịch Virus Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhiều chính sách hỗ trợ đã được đưa ra.
Mới đây, NHNN đã điều chỉnh lãi suất điều hành từ 0,5% - 1%. Cùng với chính sách giảm, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các doanh nghiệp, các NHTM cũng đăng ký tổng số vốn 285 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5% - 1% so với mặt bằng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất gia hạn tiền nộp thuế GTGT, tiền thuê và thuế đất. Chính Phủ cũng đang xem xét sớm đưa ra gói hỗ trợ an sinh 30.000 tỷ đồng, theo đó người nghèo và người thất nghiệp có thể được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, Chính phủ coi kiểm soát dịch bệnh là công tác trọng tâm hiện tại. BSC cho rằng, chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát thì cơ hội hồi phục mới có thể diễn ra vào nửa sau năm 2020.
Đỉnh dịch bệnh trong khoảng từ 22/4 đến 9/5, xấu nhất 8/6/2020
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu trong đó thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. VN-Index vừa kết thúc tháng 3 “giông bão” tại 662,53 điểm, ghi nhận mức giảm 219,7 điểm (-24,9%) so với thời điểm cuối tháng trước. Mặt bằng cổ phiếu giảm về mức thấp khiến chỉ số P/E và P/B của VN-Index về mức thấp trong vòng 10 năm, lần lượt là 10,3 và 1,5.
Dựa vào các mô hình định lượng dựa trên tỷ lệ số người chữa khỏi và người nhiễm mới và thống kê sự kiện, BSC dự báo đỉnh dịch trong khoảng từ 22/4 đến 9/5, trường hợp xấu nhất vào 8/6/2020.
Theo BSC, VN-Index có xu hướng giao dịch giằng co và hồi phục dần trong quý II. Vùng vận động giá chỉ số từ 600 - 800 điểm. VN-Index được dự báo giao dịch giằng co trên 635 điểm trong vài tuần đầu tháng 4 và có xu hướng hồi phục rõ ràng vào nửa cuối tháng 4. Diễn biến dịch bệnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, các chính sách hỗ trợ kinh tế quyết định cao độ và trường độ của đợt hồi phục.
Trường hợp tích cực, VN-Index sẽ tích lũy trên 635 điểm và có thể tăng dần cuối tháng 4 khi có thông tin hỗ trợ.
Trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể tiếp tục dò đáy trong vùng tích lũy 535 – 635 kéo dài từ 2014 - 2016 nếu diễn biến dịch bệnh tiêu cực và áp lực thoái vốn từ khối ngoại.
Khối ngoại “tháo chạy” trong quý I
Bên cạnh sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong nước, áp lực bán ròng của khối ngoại cũng tạo áp lực lớn lên thị trường đặc biệt trên nhóm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tính chung trong quý I, khối ngoại bán ròng lên đến hơn 10.000 tỷ đồng 2 sàn HoSE và HNX, trong đó có chuỗi bán ròng 33 phiên liên tiếp.
Tính theo tháng, khối ngoại mua ròng khá mạnh trong tháng 1 và là động lực lớn giúp nhiều cổ phiếu bứt phá đặc biệt là khoảng thời gian trước Tết âm lịch. Tuy nhiên, trong 2 tháng sau đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý nhà đầu tư, làm dậy lên làn sóng “tháo chạy” của khối ngoại.
Riêng trong tháng 3, khối ngoại bán ròng lên đến 8.692 tỷ đồng trên 2 sàn HoSE và HNX với nhiều phiên giao dịch chứng kiến dòng tiền của khối ngoại vào thị trường rất yếu. Lực cầu gần như “mất hút” trong khi nguồn cung dồi dào từ khối ngoại liên tục tạo sức ép khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, giá trị bán ròng của khối ngoại bắt đầu có dấu hiệu suy giảm vào cuối tháng 3. CTCK BSC cho rằng, động thái bán ròng có thể sẽ giảm dần vào tháng 4 do áp lực cơ cấu không còn nhiều, đồng thời mở ra cơ hội hồi phục cho chỉ số.
Cùng với đó, làn sóng đăng ký mua cổ phiếu quỹ của các công ty niêm yết đẩy mạnh trong tháng 3. 22 công ty niêm yết với giá trị đăng ký hơn 154 triệu USD tính theo thị giá cuối tháng 3. Giá cổ phiếu giảm xu hướng này sẽ còn tiếp tục mở rộng trong tháng 4 và là dòng tiền giúp ổn định thị trường.
Theo BizLive