Dịch COVID-19 là cơ hội để các doanh nghiệp thực phẩm tái cấu trúc, “trong nguy có cơ”

Thứ sáu, 03/04/2020, 08:52
Tại Hội nghị trực tuyến "Chương trình hành động & giải pháp trong đại dịch COVID-19" do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội tốt để tái cấu trúc, trong nguy có cơ.
Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ông Phan Minh Thông - Ông Vũ Mạnh Hùng - Ông Nguyễn Thanh Mỹ
Sáng 2/4, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến: Chương trình hành động & giải pháp trong đại dịch COVID-19 với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp.
Phát biểu mở đầu, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội VIDA cho biết, các thành viên VIDA là những chiến sĩ áo xanh trên mặt trận chống COVID-19. Chúng tôi là những "chiến sĩ hậu cần" với nhiệm vụ đảm bảo lương thực, thực phẩm trên mọi chiến trường và đưa tới từng người dân, từng hộ gia đình.
Thảo luận tại hội nghị, các thành viên Hiệp hội VIDA đều nhất trí với quan điểm, dịch COVID-19 tuy khó khăn nhưng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp biến "nguy thành cơ" bởi, người tiêu dùng vẫn có nhu cầu rất lớn về thực phẩm.
TẬP TRUNG VÀO THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC VÀ CHÂU ÂU
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và trong đó có nông nghiệp.
Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn lần này, có 2 điều mà chúng ta cần phải làm ngay. Thứ nhất là thị trường Trung Quốc, hiện nay thị trường này đang khá “yên ổn” sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát nên cần tập trung vào thị trường này.
Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cùng các Bộ, ngành liên quan cần “mở toang” cánh cửa thị trường này, nhất là về nông sản và trái cây để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ hai là, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) đã được ký, sắp tới sẽ được phê duyệt vì vậy, đây cũng là một thị trường cần tập trung và chuẩn bị ngay dù hiện tại tình hình dịch COVID-19 tại Châu Âu đang khá phức tạp.
Về việc quản lý doanh nghiệp trong mùa dịch, ông Hùng cho rằng có 3 yếu tố cần lưu ý.
Thứ nhất là về tinh thần, cần nêu rõ thông điệp từ người cao nhất của hệ thống doanh nghiệp, không chỉ nói mà phải làm mà cần truyền tải đến toàn bộ nhân viên để họ thấu hiểu, chia sẻ cũng như đưa sáng kiến vượt khó cùng công ty.
Đối với các đối tác, nhà cung ứng (trong đó phần lớn là người nông dân), chúng tôi cũng đã gửi thư cho các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới để họ chia sẻ, yên tâm với Nafoods.
Thứ 2 là việc đảm bảo người lao động ngay trong mùa dịch. Hiện tại, chúng tôi cũng thực hiện rất nghiêm túc quy trình khử khuẩn, rửa tay, đo nhiệt độ và lắp đặt các buồng khử khuẩn tại công ty.
"Nafoods là một pháo đài và mỗi nhân viên là một chiến sĩ, chúng ta phải tạo dựng niềm tin cho nhân viên", ông Hùng cho biết.
Về dòng tiền, theo ông Hùng, Nafoods cũng phải cân đối với các khoản vay của ngân hàng và doanh thu từ các đối tác. Nhà cung cấp nào cần gấp thì Nafoods thanh toán trước. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các đối tác, nhiều khách hàng ở Châu Âu, Thuỵ Sĩ hay Mỹ đã ứng tiền trước.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng kiến nghị rằng, vốn hỗ trợ của Chính phủ rất khó để đến được với các doanh nghiệp. Khi chúng tôi yêu cầu giãn nợ với ngân hàng thì lại bị đưa vào danh sách nợ xấu.
Do đó, ông Hùng kiến nghị các doanh nghiệp nói chung và Hiệp hội Nông nghiệp số nói riêng cần xây dựng nguồn vốn, nếu doanh nghiệp nào vẫn có khách hàng mà thiếu vốn thì cần được hỗ trợ.
Đặc biệt, ông Hùng cho rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp cơ cấu lại. Quy trình, nhân lực nào phù hợp thì tiếp tục triển khai còn không phù hợp cần thay thế.
Riêng với Nafood, ông Hùng cho biết, sản lượng kinh doanh trong quý I của công ty vẫn tăng trưởng 40% so với năm ngoái nhờ những biện pháp đối phó với dịch COVID-19 được áp dụng ngay lập tức.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỂ ĐỨNG VỮNG TRƯỚC BIẾN CỐ
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Phúc Sinh
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phan Minh Thông - TGĐ CTCP Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, Phúc Sinh là công ty chuyên về xuất khẩu, làm việc trực tiếp với nông dân. Trong vòng 15 năm vừa qua, công ty đã cải tiến rất nhiều, đặc biệt không đẩy mạnh mua qua trung gian và làm việc trực tiếp với nông dân để phát triển bền vững.
Nhờ việc đa dạng hoá sản phẩm nên trong đợt dịch vừa qua, công ty vẫn xuất khẩu nhiều loại thực phẩm như: Hồ tiêu, quế,… nên không bị dừng mặt hàng nào.
Đồng thời, do có quá trình phát triển lâu dài nên khi làm việc với hệ thống ngân hàng, Phúc Sinh thấy khá dễ dàng. Cùng với việc làm việc với rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nên dòng tiền cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Thêm vào đó, việc áp dụng công nghệ vào quá trình làm việc từ trước như sử dụng smartphone, laptop giúp công ty không bị ảnh hưởng nhiều khi nhân viên work from home.
"Do đó, tôi cho rằng, khi các doanh nghiệp chuẩn bị nền tảng hệ thống tốt từ trước đây thì khi xảy ra dịch sẽ không bị động và thiệt hại nhiều. 3 tháng đầu năm, chúng tôi vẫn có nhiều đơn hàng, nhân viên phải làm từ 1 đến 2 ca/ngày. Đặc biệt, đây là lúc để cải tổ lại doanh nghiệp từ hệ thống phần mềm, quản trị,… những thứ không phù hợp cần cải tổ lại ngay", ông Thông nói.
ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NHÂN VIÊN TRONG MÙA DỊCH
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hùng Nhơn
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hùng Nhơn nhấn mạnh, trong bối cảnh tình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho người lao động.
Hiện nay có 3 phương án mà công ty đưa ra. Thứ nhất, nhân viên sẽ làm việc và sinh hoạt ở tại trang trại, cách ly với khu vực bên ngoài. Các trang trại của Hùng Nhơn có diện tích rất lớn, thông thoáng nên đảm bảo khoảng cách an toàn cho nhân viên.
Ngay cả những gia đình của công nhân ở xa cũng được tạo điều kiện để không phải đi lại. Hiện Hùng Nhơn đang sản xuất tới 20.853 tấn hàng/tháng. Trong 3 tháng tới, Hùng Nhơn vẫn dự kiến tăng trưởng 3-5% và mở rộng hoạt động sản xuất.
"Trong đợt dịch này, chúng tôi có 2 công ty hiện đang làm hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, do đó chúng tôi tạm dừng hoạt động của 2 đơn vị này và chuyển công nhân về làm việc tại trang trại, tập trung sản xuất. Đặc biệt, công ty không sa thải nhân viên trong thời điểm này mà còn đưa ra các chương trình thưởng KPI để 100% cán bộ, công nhân viên yên tâm làm việc tại trụ sở và đưa toàn bộ các gia đình công nhân đến ở tại đó", ông Hùng nói.
DỊCH COVID-19 VỚI DN THỰC PHẨM LÀ "TRONG NGUY CÓ CƠ"
TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan & Tập đoàn Rynan
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, ông Nguyễn Thành Mỹ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan & Tập đoàn Rynan nói: "Tôi cho rằng, dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp thực phẩm là trong “nguy có cơ”. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp cải tiến đóng gói bao bì giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn.
"Năm 2019, chúng tôi là công ty duy nhất cung cấp công nghệ đóng gói khí cải tiến. Như sản phẩm thịt Meat Deli của Masan hiện đang sử dụng hộp đóng gói gồm 70% khí O2 và 30% khí CO2. Công nghệ này giúp bảo quản thịt tới 9 ngày, nếu ứng dụng cho bảo quản rau, củ quả sẽ để được trong vòng 30 ngày.
Ngoài ra, nhu cầu về thực phẩm hâm nóng trong lò vi sóng ngày càng nhiều. Đặc biệt là trong giai đoạn cách ly toàn xã hội này, nên công nghệ đóng gói bao bì khí cải tiến cũng rất phù hợp khi cung cấp qua kênh thương mại điện tử.
"Dịch COVID-19 là cơ hội để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ đóng gói mới và hiện đại nhất để nắm lấy cơ hội phát triển tốt hơn", ông Mỹ nói.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích