Hơn 6h tối, một cửa hàng trên phố Thái Hà (Hà Nội) vẫn nhộn nhịp khách đến mua máy tính và linh kiện. Một nhân viên kinh doanh tại đây cho biết, chỉ trong một ngày, cửa hàng đã bán hơn 60 bộ máy tính, bao gồm cả máy để bàn và laptop, doanh số cao gấp vài lần ngày thường. Mặc dù mọi năm, tháng 3 vốn không phải là thời kỳ cao điểm của ngành kinh doanh máy tính, nhưng năm nay, tình hình đã thay đổi vì Covid-19.
"Trong hai tuần trở lại đây, mỗi tuần doanh số tăng khoảng 20%, khách hàng mua máy chủ yếu để giải trí, làm việc từ xa và học tại nhà", anh Tiến Đức, chủ cửa hàng cho biết. Theo anh Đức, nhu cầu cao nhất là học sinh, sinh viên. "Các bộ máy tính có giá dưới 10 triệu đồng, đi kèm webcam, loa, mic bán chạy nhất, chiếm trên 50% doanh số", anh nói.
Nhiều cửa hàng máy tính đông khách, nhân viên phải đeo khẩu trang và chuẩn bị nước rửa tay. |
Nhu cầu mua máy tính tại Việt Nam bắt đầu tăng từ tháng 2, trong bối cảnh học sinh, sinh viên cả nước được nghỉ học ở nhà tránh dịch.
Tại hệ thống Thế Giới Di Động, hai tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm trước ở mảng máy tính xách tay. Theo số liệu từ FPTShop, doanh thu mảng máy tính xách tay của đơn vị này trong tháng 2 tăng 79% so với tháng 1. Tháng 3 dù chưa kết thúc, nhưng cũng đã ghi nhận mức doanh thu tăng 153% so với tháng đầu năm. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu của những người cần học tập và làm việc từ xa.
Ngoài máy tính, các linh kiện lẻ như chuột, phím chơi game, tai nghe, webcam... cũng có doanh số tăng nhiều lần, thậm chí một số sản phẩm "cháy hàng" do lượng mua vượt quá dự đoán của nhà phân phối.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là nhu cầu tăng cao, các cửa hàng bán máy tính cũng gặp khó khăn. Hầu hết mặt hàng liên quan đến máy tính được sản xuất từ nước ngoài và nhập khẩu về Việt Nam. Dịch bệnh khiến việc vận chuyển hàng hoá từ nước ngoài về trắc trở, nhiều mẫu hết rồi mà không thể nhập hàng mới. Có mẫu laptop gửi bảo hành cả tháng vẫn chưa thể trả cho khách vì không có linh kiện.
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng mong muốn bán hàng online thay vì khách đến cửa hàng để hạn chế khả năng lây nhiễm, nhưng do đặc thù, nhân viên cửa hàng vẫn phải đến nhà người mua để lắp đặt và kiểm tra tại chỗ. Do đó, nhiều nơi, lượng nhân viên giao hàng không đủ đáp ứng đơn hàng.
Theo VNE