Nhà kinh tế đoạt giải Nobel: 'Gói giải cứu 1.800 tỷ USD là sự sỉ nhục'

Thứ ba, 24/03/2020, 16:45
Chuyên gia Paul Krugman - người giành giải Nobel Kinh tế năm 2008 - phê phán dữ dội gói giải cứu 1.800 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảng Cộng hòa đưa ra.

Trên New York Times, nhà kinh tế Paul Krugman nhận định đảng Cộng hòa muốn nước Mỹ chống dịch virus corona chủng mới bằng kinh tế nhỏ giọt (giảm thuế cho các tập đoàn và giới nhà giàu) và chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Gói giải cứu 1.800 tỷ USDvẫn chưa được Thượng viện Mỹ thông qua vì sự phản đối của các nghị sĩ Dân chủ trong thời điểm nền kinh tế Mỹ đang lao đao vì dịch Covid-19 lây lan.

Theo chuyên gia Krugman, vấn đề là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện - đã "dùng người dân Mỹ làm con tin để ép buộc các nghị sĩ Dân chủ trao cho Tổng thống Donald Trump quỹ đen 500 tỷ USD".

Nha kinh te doat giai Nobel: 'Goi giai cuu 1.800 ty USD la su si nhuc' hinh anh 1 stimulus.jpg

Gói cứu trợ Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa đưa ra Thượng viện có quy mô 1.800 tỷ USD. Ảnh: Getty.

Ưu tiên hàng đầu là cứu trợ chứ không phải tạo công ăn việc làm

Cuộc khủng hoảng mà Mỹ đang trải qua là vô cùng nghiêm trọng. Trong thời điểm tồi tệ nhất của cuộc suy thoái 2007-2009, mỗi tháng khoảng 800.000 người Mỹ bị sa thải. Hiện tại, mỗi tuần vài triệu người lao động Mỹ mất việc.

Đây là hậu quả của biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn virus có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) lây lan: các nhà hàng, khu vui chơi giải trí, doanh nghiệp... đồng loạt đóng cửa. Nhà kinh tế Krugman cho rằng cần duy trì các biện pháp cách ly xã hội cho đến khi nước Mỹ dập tắt dịch Covid-19.

"Ưu tiên hàng đầu của chúng ta bây giờ không phải là tạo công ăn việc làm mà là cứu trợ. Hãy chuyển cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ đủ tiền để họ sống sót qua dịch bệnh. Hãy hỗ trợ tối đa các bệnh viện, phòng khám và doanh nghiệp y tế", ông nhấn mạnh.

Nền kinh tế Mỹ sẽ còn đối mặt với làn sóng mất việc làm thứ hai. Đó là khi các gia đình thiếu thốn và doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt giảm chi tiêu. Do đó, chính phủ cần hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giúp các gia đình và doanh nghiệp có tiền để tiếp tục chi tiêu.

Trong gói kích thích do Tổng thống Donald Trump đề xuất và Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đang cố tìm cách thông qua có gì? Nó cung cấp một phần nhỏ tiền cứu trợ cho các gia đình Mỹ đang gặp khó khăn. Ông McConnell mô tả các điều khoản này đáp ứng "đòi hỏi của đảng Dân chủ".

Nha kinh te doat giai Nobel: 'Goi giai cuu 1.800 ty USD la su si nhuc' hinh anh 2 new1.jpg

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, đang gây sức ép lên đảng Dân chủ để đòi thông qua gói kích thích "đầy thuốc độc". Ảnh: New York Times.

Chuyên gia Krugman chỉ ra rằng ngoài khía cạnh tích cực nhỏ nhoi đó, gói kích thích này chứa đầy "thuốc độc", ví dụ các điều khoản chặn tiền cứu trợ dành cho các thực thể phi lợi nhuận như viện dưỡng lão hay nhà tình nghĩa cho người khuyết tật.

Điều đáng nói là gói cứu trợ bao gồm "quỹ đen" 500 tỷ USD. Chính quyền Tổng thống Trump được tự do dùng quỹ này để ban phát cho các doanh nghiệp mà không qua bất kỳ cơ chế giám sát nào cả. "Đây không chỉ là một chính sách vô cùng tồi tệ, đó còn là sự sỉ nhục đối với trí tuệ của tất cả chúng ta", nhà kinh tế Krugman bức xúc.

"Không thể chấp nhận được việc chính phủ Mỹ có quyền tưởng thưởng cho đám thân hữu và trừng phạt những đối tượng bị coi là kẻ thù. Và cũng không thể tưởng tượng được lại có kẻ đề xuất trao quyền lực này cho chính quyền ông Trump", ông Krugman chỉ trích.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu và khả năng quản trị kém cỏi

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel nhắc lại việc suốt 3 năm qua, ông Trump liên tục từ chối công khai hồ sơ thuế bất chấp cáo buộc hưởng lợi tài chính từ chiếc ghế tổng thống. Khi mở thương chiến chống Trung Quốc, ông Trump miễn thuế cho một số công ty thân cận.

Và giờ ông từ chối dùng quyền tổng thống để buộc các tập đoàn sản xuất thiết bị và vật tư y tế. "Do đó, rất khó để hy vọng chính quyền Tổng thống Trump sẽ phân bổ số tiền khổng lồ một cách công bằng và hướng đến lợi ích chung", nhà kinh tế Krugman kết luận.

Các nghị sĩ Cộng hòa - đặc biệt là Thượng nghị sĩ McConnell - luôn khẳng định giảm thuế cho các tập đoàn vô điều kiện sẽ đem lại lợi ích cho người lao động và nền kinh tế, rằng các tập đoàn này sẽ sử dụng tiền để mở rộng đầu tư, tạo công ăn việc làm.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Krugman chỉ ra rằng hồi năm 2017, gói giảm thuế doanh nghiệp khổng lồ của đảng Cộng hòa không giúp tăng lương cho người lao động và thúc đẩy đầu tư kinh doanh như họ cam kết.

Thay vào đó, các tập đoàn dùng tiền giảm thuế để mua lại cổ phiếu của các hãng này. "Lần này liệu sẽ có khác biệt? Rất khó", ông Krugman nhận định.

Nha kinh te doat giai Nobel: 'Goi giai cuu 1.800 ty USD la su si nhuc' hinh anh 3 newyortelit.jpg

Dịch virus corona chủng mới đang làm nền kinh tế Mỹ tê liệt. Ảnh: ABC.

Ngoài nguy cơ "chủ nghĩa tư bản thân hữu", nhà kinh tế Krugman còn nhận định chính phủ của ông Trump cho thấy khả năng quản trị vô cùng tệ hại. Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng ra các nước, ông Trump bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo.

Mới chỉ vài tuần trước, ông chủ Nhà Trắng còn hùng hồn tuyên bố dịch đã bị kiềm chế và nền kinh tế Mỹ "vẫn vững vàng". Đến giờ, ông Trump vẫn nói chính quyền của ông phản ứng hiệu quả với dịch bệnh. Ông đổ lỗi cho giới truyền thông, cho đảng Dân chủ, cho cựu Tổng thống Barack Obama, cho rất nhiều người khác... ngoại trừ chính bản thân mình.

Đến nay, các nghị sĩ Dân chủ đã hai lần cản trở Thượng viện Mỹ thông qua gói cứu trợ 1.800 tỷ USD. Theo nhà kinh tế Krugman, nếu thực sự muốn cứu trợ người dân và nền kinh tế Mỹ, Thượng nghị sĩ McConnell chỉ cần loại bỏ điều khoản mở "quỹ đen" 500 tỷ USDcho chính quyền Tổng thống Trump, hoặc thông qua gói cứu trợ 2.500 tỷ USDcác nghị sĩ Dân chủ sẽ sớm đệ trình.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích