Giá dầu thế giới xuống 20 USD/thùng: Doanh nghiệp xăng dầu điêu đứng

Thứ sáu, 20/03/2020, 13:10
Thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến thêm một đợt “sóng thần” ngày 19/3 (giờ Việt Nam) khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 6,58 USD (24,4%) xuống 20,37 USD/thùng.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu trong nước có thể lỗ nặng do giá dầu thế giới liên tục lao dốc

Đây là mức thấp nhất trong suốt 18 năm qua, kể từ ngày 20/2/2002. Giá dầu Brent Biển Bắc cũng hạ 3,85 USD (tương đương mức giảm 13,4%) xuống 24,88 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003.

Cùng với giá dầu Mỹ giảm mạnh, các số liệu cho thấy dự trữ xăng và dầu diesel tại nước này cũng giảm đáng kể. Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 2 triệu thùng, song dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất giảm lần lượt là 6,9 triệu thùng và 2,9 triệu thùng.

Theo tính toán của PVN, với việc giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu bán dầu của PVN sẽ giảm tương ứng khoảng 225.000 USD/ngày. Với việc giá dầu xuống mức 30-35 USD/thùng, PVN sẽ mất khoảng 3 tỷ USD doanh thu trong năm 2020.

Giá dầu thế giới liên tục lao dốc cũng khiến các doanh nghiệp trong nước điêu đứng. Cty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cho hay đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu giảm từ 30-40% so với cùng kỳ các năm trước, trong đó sản phẩm nhiên liệu bay Jet A1 có mức giảm sâu nhất.

Theo hợp đồng kỳ hạn năm 2020, tổng khối lượng xăng dầu BSR giao mỗi tháng cho các khách hàng vào khoảng 634.000m3, gồm 302.000m3xăng 95/92; 272.000m3dầu DO và 60.000m3nhiên liệu bay Jet A1. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, tồn kho xăng dầu của BSR có xu hướng tăng nhanh do lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp cũng giảm ở mức 30% -40% khiến kho chứa của nhà máy luôn trong tình trạng đầy nhiên liệu.

Doanh nghiệp xăng dầu lỗ nặng

Chia sẻ với Tiền Phong, CEO một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đề nghị không nêu tên cho hay, các DN xăng dầu đang trong cảnh khó khăn kép. Dịch covid-19 từ đầu năm đến nay làm sản lượng tiêu thụ trên cả ba miền của đơn vị sụt giảm kinh hoàng. Ngay cả những chi nhánh vốn được coi là “gà đẻ trứng vàng” về doanh thu, sản lượng cũng trong cảnh hết sức hiu hắt.

Theo vị này, dù chưa đến mức phải giảm nhân công như những ngành nghề khác nhưng DN xăng dầu đang trong giai đoạn “lửa thử vàng” đúng nghĩa. “Doanh số và sản lượng của chúng tôi từ đầu năm đã mất hơn 30% do lượng dầu bán cho các hộ sản xuất, kinh doanh và vận tải tiêu thụ lớn giảm rất mạnh. Việc các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc đóng cửa kéo dài dịp Tết cũng khiến sản lượng của mảng vận tải sụt giảm mạnh và đến giờ vẫn chưa phục hồi được. Năm nay chúng tôi không hoàn thành mục tiêu của đại hội đồng cổ đông giao là chắc chắn. Nếu tình hình kéo dài, việc thua lỗ nặng là không tránh khỏi”, vị này chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, lượng tiêu thụ hàng tồn kho xăng dầu 2 tháng qua ở các DN đầu mối chỉ bằng 40-50% so với trước đây. Các DN đang đối mặt với việc cứ nhập xăng dầu về là bị lỗ vì giá giảm liên tục. Một số DN xăng dầu đầu mối đã phải giảm 25% lương lãnh đạo. Mức giảm của nhân viên là 15%.

Đáng chú ý, một số DN đang trong cảnh “báo động” về nguồn vốn. Trong số 30 DN xăng dầu đầu mối, số đơn vị còn dồi dào tiềm lực tài chính không nhiều do tình hình kinh doanh khá xấu. Đến nay, theo thống kê, có DN 2 tháng đầu năm lỗ kinh doanh xăng dầu tới 40 tỷ. Lãnh đạo một DN khẳng định, với việc giá dầu liên tục lao dốc và DN phải đáp ứng nguồn cung trong cảnh “cứ nhập về là giá lại giảm” việc giữ được mục tiêu “không bị lỗ quá 100 tỷ đồng” đã là thành công của năm 2020.

Thông tin từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho hay, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cho DN được gia hạn chậm nộp thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong 90 ngày. Đây là khoản tiền thuế mà DN nộp hộ người tiêu dùng, nhưng theo quy định nếu nhập khẩu thì phải nộp tiền thuế này trước khi thông quan. Hiệp hội cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn giải quyết dứt điểm số tiền hoàn thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng cho các DN xăng dầu mà đến nay sau một thời gian dài vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với Tiền Phong, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông cho hay, Bộ Công Thương đã nhận được văn bản gửi cả Chính phủ của Hiệp hội Xăng dầu và các DN xăng dầu đầu mối “kêu cứu” vì gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết DN xăng dầu mong muốn ngân hàng hỗ trợ giãn nợ trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu liên tục lỗ suốt thời gian qua.

“Cơ quan quản lý đã khuyến các các DN phải cân đối lượng xăng dầu nhập khẩu theo từng giai đoạn đồng thời hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho cho hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn”, ông Đông chia sẻ.

Trao đổi với Tiền Phong, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông cho hay, Bộ Công Thương đã nhận được văn bản gửi cả Chính phủ của Hiệp hội Xăng dầu và các DN xăng dầu đầu mối “kêu cứu” vì gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết DN xăng dầu mong muốn ngân hàng hỗ trợ giãn nợ trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu liên tục lỗ suốt thời gian qua.

Theo TPO

Các tin cũ hơn