Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, ngày 10-4, Bộ Công Thương đã có công văn gửi một số bộ, ngành xin ý kiến đóng góp dự thảo hướng dẫn giảm tiền điện cho khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19.
Việc lấy ý kiến này nhằm triển khai Nghị quyết 41 ngày 9-4 của Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng như đề xuất trước đó của Bộ Công Thương ngày 1-4.
Nhiều trường hợp được giảm
Nội dung dự thảo này tương tự các mức đề xuất của Bộ Công Thương đã đưa ra trong văn bản báo cáo gửi Thủ tướng ngày 1-4. Dự kiến việc lấy ý kiến sẽ kết thúc vào ngày mai, 14-4. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hướng dẫn và giao Sở Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai đến các đơn vị thực hiện, phù hợp với thực tế ghi số điện và phát hành hóa đơn tiền điện.
Theo báo cáo Bộ Công Thương gửi Thủ tướng, thời gian giảm tiền điện cho một số trường hợp áp dụng vào tháng 4, 5, 6-2020, với tổng mức hỗ trợ gần 11.000 tỉ đồng. Như vậy, khách hàng dự kiến sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, 6, 7-2020.
Cụ thể, Bộ Công Thương đưa ra phương án giảm giá 10% đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1, 2, 3, 4 (tiêu thụ dưới 300 kWh). Đây là những hộ lao động, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng. Số tiền ước tính hỗ trợ cho các trường hợp này là khoảng 2.900 tỉ đồng. Đối với các bậc cao trên 300 kWh, Bộ đề xuất giữ nguyên vì khách hàng tiêu thụ ở bậc này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ Công Thương cũng đề xuất giảm 10% đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh, dự kiến tổng số tiền hỗ trợ khoảng 6.000 tỉ đồng. Đối với khách hàng du lịch, cơ sở lưu trú, Bộ đề xuất điều chỉnh giá điện từ khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá hộ sản xuất. Dự kiến số tiền hỗ trợ khoảng 1.800 tỉ đồng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất miễn tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19. Giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19; giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly. Dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 100 tỉ đồng.
Thời gian giảm tiền điện cho một số đối tượng áp dụng trong ba tháng (từ tháng 4-2020), với tổng mức hỗ trợ gần 11.000 tỉ đồng. Ảnh: EVN
Bộ Công Thương nói về đề xuất giảm 50% tiền điện cho doanh nghiệp
Trước đó, TP.HCM và Bộ KH&ĐT đã có đề nghị Chính phủ xem xét giảm 50% giá điện giờ cao điểm cho các doanh nghiệp (DN) trong tháng 3, 4, 5. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho rằng theo sản lượng điện năm 2019, sản lượng điện thương phẩm theo giờ cao điểm và thấp điểm của khách hàng sản xuất và kinh doanh phục vụ là 135,6 tỉ kWh so với tổng sản phẩm điện thương phẩm cả năm là 207,9 tỉ kWh.
Thái Lan giảm 3% tiền điện, nước Trước những tác động của COVID-19, chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn việc giảm 3% tiền điện, nước trong ba tháng. Kéo dài thời hạn thanh toán tiền điện, nước cho khách sạn và trả lại tiền đặt cọc bảo lãnh cho khách hàng dân cư. |
Nếu thực hiện theo kiến nghị giảm giá 50% trong giờ cao điểm thì khoản tiền hỗ trợ cho DN sẽ gần 20.000 tỉ đồng, tương ứng với khoản giảm doanh thu rất lớn của EVN. Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, phương án giảm 50% giá điện này cũng có thể không khuyến khích tiết kiệm điện vào giờ cao điểm, trong khi hệ thống đang có nguy cơ thiếu công suất vào giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, bộ này cho biết trong 1,6 triệu khách hàng là các hộ sản xuất thì có tới một triệu khách hàng là các DN nhỏ chỉ sản xuất một ca trong giờ hành chính. Trường hợp chỉ giảm giá vào giờ cao điểm thì các DN nhỏ cũng không được hưởng hỗ trợ từ sự hỗ trợ này.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã tính toán đề xuất giảm giá điện cho các khách hàng sản xuất ở tất cả khung giá: cao điểm, bình thường và thấp điểm với mức giảm 10% so với biểu giá điện. “Theo phương án giảm này thì các khách hàng sản xuất ba ca hay một ca đều được hỗ trợ tiền điện. Đồng thời, việc duy trì giá điện giờ cao điểm và thấp điểm cũng tạo động lực cho DN tiết kiệm điện vào giờ bình thường và giờ thấp điểm” - Bộ Công Thương nêu quan điểm.
EVN lý giải hóa đơn điện tăng cao Những ngày qua, nhiều khách hàng nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 bất ngờ bởi hóa đơn tăng cao so với các tháng trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lý giải nguyên nhân về vấn đề này. Theo EVN, tiền điện của khách hàng tăng trong kỳ hóa đơn tháng 4 là hiện tượng có tính quy luật thời tiết hằng năm. Ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, thời tiết tháng 3 bắt đầu nắng nóng. Do vậy, khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng nên càng tốn nhiều điện hơn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội nên việc sử dụng điện sinh hoạt cũng tăng nhiều hơn. Theo đó, các đơn vị điện lực đã thông tin lưu ý khách hàng khi điện năng tiêu thụ tăng cao so với tháng trước. Để khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện của mình, ngành điện đã ghi chú trong thông báo tiền điện, thực hiện phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng. Các công ty điện lực cũng tăng cường lực lượng điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách hàng. Khi nhận được thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về hóa đơn tiền điện, trong vòng 24 giờ điện lực sẽ cử nhân viên gặp gỡ, phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện. |
Ý KIẾN Giảm ít nhưng cũng được an ủi Gần tháng nay nghỉ việc ở nhà, mọi chi phí sinh hoạt đều phải tiết kiệm, trong đó có việc sử dụng điện. Nếu giảm 10% giá điện dưới 300 kWh thì hằng tháng gia đình tôi sẽ tiết kiệm gần 100.000 đồng. Số tiền tuy ít nhưng người lao động như chúng tôi rất vui mừng trong tình cảnh hiện nay. Chị Trần Thị Huyền (quận Bình Tân, TP.HCM) Nên giảm 50%... Tôi đã phải nghỉ dạy khoảng hai tháng nay, tôi thấy đề xuất hỗ trợ của Bộ Công Thương hiện nay chỉ 10% là quá ít. Theo phương án này, Bộ Công Thương chỉ hỗ trợ bốn bậc thang đầu tiên, song ở mức này thì quá thấp và gần như không hỗ trợ gì đối với người thu nhập thấp. Theo tôi, nên giảm 50% hoặc miễn luôn đối với người sử dụng điện ở bốn bậc đầu tiên, còn ai sử dụng trên 300 kWh thì phải trả đúng như bậc thang đã quy định. Như vậy, việc hỗ trợ mới mang lại hiệu quả thiết thực cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chị Nguyễn Thị Hòa, giáo viên yoga, quận 3, TP.HCM Cần hài hòa giữa doanh nghiệp điện và xã hội Trong biểu giá điện kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng thì giá điện cho kinh doanh là cao nhất. Điện lực cũng là một DN sản xuất, kinh doanh nên giảm giá điện cũng phải ở một mức hợp lý, bởi nếu ngành điện giảm giá thì họ cũng bị thiệt hại. Trong khi đó, năm nay nguồn thủy điện bị khan hiếm nên phải sử dụng nguồn năng lượng khác để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng. Chính vì vậy, ngành điện cũng cần nghiên cứu để đưa ra mức đề xuất giảm giá điện cho hợp lý. Đối với khách hàng sinh hoạt là những người có thu nhập thấp đã được Bộ Công Thương đề xuất giảm 10% nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Nếu giảm ở mức cao hơn thì EVN cũng bị ảnh hưởng, bởi tỉ suất lợi nhuận thấp sẽ không đủ chi phí để tái sản xuất. Trong khi đó, thời điểm dịch COVID-19 ngành điện cũng là một ngành bị ảnh hưởng. Do vậy, cần phải xem xét hài hòa giữa DN và xã hội trong thời điểm này. TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính Điện là mặt hàng đặc thù nên... Việc giảm giá điện 10% là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành điện trong bối cảnh hiện nay. Bởi người tiêu dùng ai cũng có tâm lý muốn trả chi phí dùng điện càng ít càng tốt. Tuy nhiên, điện là mặt hàng đặc thù, phụ thuộc vào giá thành phát điện với các chi phí đầu vào như dầu, than, khí… nên rất khó để giảm giá. GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam |
Theo PLO