Hiện nay, nhiều chuỗi bán lẻ lớn đang đối diện với tình thế khó khăn khi vẫn phải trả tiền mặt bằng nhưng không có doanh thu.
Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã có công văn gửi đến các đối tác cho thuê mặt bằng để đề nghị điều chỉnh, miễn giảm chi phí thuê để phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Đại gia bán lẻ cho biết hoạt động kinh doanh đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, bên cạnh đó cũng chưa có bất kỳ thông tin về thời điểm chấm dứt dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.
Chính vì vậy, đơn vị này đề nghị được chủ mặt bằng hỗ trợ điều chỉnh giảm 50% giá thuê trong 12 tháng và miễn chi phí thuê của các chi nhánh buộc phải đóng cửa do quy định. Đồng thời khẳng định sự hỗ trợ của phía chủ nhà sẽ giúp tiếp tục mối quan hệ hợp tác trong dài hạn.
Starbucks Việt Nam đang sở hữu hơn 10 mặt bằng đắc địa tại trung tâm quận 1. TP.HCM. |
Tương tự, chuỗi Starbucks, một trong những ông lớn ngành F&B cũng đã tạm đóng cửa toàn bộ chi nhánh tại Hà Nội và một số chi nhánh tại TP.HCM.
Đại diện Starbucks Việt Nam cho biết đơn vị đã chủ động liên hệ các chủ nhà để trình bày khó khăn cũng như đề nghị được hỗ trợ trong thời gian sắp tới. Kể từ cuối tháng 2, khi nhận định được tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài, nhiều chủ nhà đã chủ động giảm giá, hỗ trợ doanh nghiệp từ 1-3 tháng. Bên cạnh đó, một số chủ nhà cũng cho biết sẽ đồng hành đến khi hết dịch.
Theo phía Starbucks, không phải 100% chủ nhà đều chủ động hỗ trợ nhưng nhìn vào tình hình hiện tại, mọi cá nhân đều có thể thấy được sự khó khăn của thị trường. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà cũng muốn giữ vững mối quan hệ hợp tác lâu bền với khách thuê.
Trong khi đó, chia sẻ với PV, đại diện Trung Nguyên Legend cho biết hiện đã đóng cửa toàn bộ gần 200 cửa hàng theo quy định của Nhà nước về phòng chống dịch Covid-19.
"Chúng tôi đã chủ động đề nghị các chủ mặt bằng giảm tiền thuê từ 20-50% và giãn thời gian thanh toán. Tuy nhiên, không phải đối tác nào cũng đồng ý chia sẻ, hỗ trợ giảm tiền thuê", đại diện Trung Nguyên Legend nói thêm.
Sở hữu mạng lưới chi nhánh rộng lớn ở các vị trí đắc địa, các chuỗi bán lẻ lớn đang gánh khoản chi phí lớn cho mặt bằng.
Theo ông Võ Duy Phú - Giám đốc Thương mại và Marketing thương hiệu The Coffee House, chi phí mặt bằng trung bình cho mỗi cửa hàng của chuỗi này khoảng 100 triệu đồng/tháng, có nơi diện tích lớn lên đến 150 triệu đồng. Tương đương mỗi tháng, doanh nghiệp phải trả hàng chục tỷ đồng. Nếu không được hỗ trợ từ phía chủ nhà sẽ rất khó khăn.
Hiện nay, hệ thống cà phê Trung Nguyên, Starbucks, The Coffee House vẫn duy trì hình thức bán mang đi ở những địa điểm có vị trí tốt, thuận lợi về giao thông, đồng thời tuân thủ quy định về việc bán hàng mang đi trong dịch bệnh.
Chuỗi cửa hàng đồ uống The Coffee House chi hàng chục tỷ đồng mỗi tháng cho chi phí mặt bằng. |
Đại diện Trung Nguyên Legend cho biết thời điểm này là lúc doanh nghiệp xem xét lại hệ thống mặt bằng, đánh giá những điểm kinh doanh không hiệu quả để chủ động thanh lý hợp đồng hoặc ngừng gia hạn tái ký thuê tiếp, tìm kiếm những mặt bằng vị trí chất lượng có giá thuê tốt và nhiều ưu đãi. Đây là giải pháp này về lâu dài mà ông lớn này chuẩn bị cho sự phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch.
Theo ghi nhận, các ngành hàng như ăn uống, thời trang, giải trí trong 3 tháng đầu năm vừa qua có doan thu giảm 50-80%. Một vài thương hiệu lớn buộc phải cắt giảm hoạt động tại nhiều chi nhánh, trong đó đại gia Golden Gate Group đã đóng cửa hơn 50% cửa hàng, tập trung chủ yếu tại Hà Nội.
Khảo sát của CBRE cho thấy lượng khách đến các trung tâm thương mại lớn tại TP.HCM đã sụt giảm khoảng 80% từ tháng 2 đến cuối tháng 3.
Chính vì vậy, gần như toàn bộ trung tâm thương mại trên thành phố đều đã áp dụng mức giảm giá thuê trung bình 10-30% cho các ngành hàng khác nhau từ giữa cuối tháng 3, một số ít từ tháng 2 và cao nhất là miễn phí giá thuê cho ngành hàng buộc phải đóng cửa. Đến cuối quý I, giá thuê tầng trệt và tầng một khu vực trung tâm giảm 11,4% và tại khu ngoài trung tâm giảm 15,9% so với quý trước.
Ghi nhận cũng cho thấy bán lẻ là một những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19. Trong quý I, doanh thu bán lẻ của ngành hàng dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Zing