Bà Đặng Thị Kim Thảo ở huyện Đăk Tô (Kon Tum), người chuyên "săn" sâm quý cho biết đã mua được củ sâm Ngọc Linh dài 80cm, 70 đốt, nặng 0,5kg và phần ngọn của chúng được chia làm 2 nhánh.
Theo bà Thảo, củ sâm này do một nhóm 10 người khai thác tại núi Măng Ri. Đây cũng là núi thuộc dãy Ngọc Linh. Với số lượng đốt nhiều, loại này được các chuyên gia đánh giá có trên 80 năm tuổi.
Bà cho biết thêm, đây là củ sâm thuộc loại lớn nhất mà bà từng mua trong 10 năm qua. Chỉ sau một ngày chia sẻ thông tin, củ sâm đã được một doanh nhân ở TP.HCM mua với giá gần nửa tỷ đồng.
Củ sâm vừa được người dân Măng Ri đào về nhà. (Ảnh: NVCC). |
Bà Thảo cho biết do trạm kiểm định Sâm Ngọc Linh đóng cửa vì Covid-19 nên không kiểm nghiệm được. Tuy nhiên, là người sành về sâm Ngọc Linh, vị doanh nhân TP.HCM đồng ý mua ngay sau khi bà báo giá. Hiện, củ sâm đã được người này dùng để chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Năm ngoái, ông Trần Đức An, người chuyên "săn" sâm quý ở Kon Tum cũng đã mua được cặp sâm Ngọc Linh, mỗi củ lần lượt có trọng lượng 920gr và 950gr tại núi thuộc huyện Đak Cheung, tỉnh Sekong (Lào) với giá gần tỷ đồng.
Sâm Ngọc Linh được đưa vào danh sách quốc bảo của Việt Nam, một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đề nghị Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó yêu cầu làm rõ sâm này là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải bảo vệ nguồn gene và phát triển nguồn sâm Ngọc Linh tương xứng với thế mạnh tự nhiên cũng như tiềm năng sẵn có của Quảng Nam, Kon Tum.
Sâm Ngọc Linh được dược sĩ Đào Kim Long tìm ra năm 1972. Lúc đó, dược sĩ Long được giao nhiệm vụ cùng đồng nghiệp nghiên cứu thực vật, đặc biệt là đi tìm nguồn sâm ở vùng K5 phục vụ bộ đội. Khi đến độ cao hơn 1.000m của núi Ngọc Linh, ông phát hiện ra loại sâm tiết trúc quý hiếm. Loại sâm này từng được các nhà thực vật phát hiện ở Lào Cai, Lai Châu.
Khi đó, dược sĩ Long gọi là sâm tiết trúc K5, rồi sau gọi là sâm đốt trúc Ngọc Linh theo tên địa danh phát hiện ra. Sâm Ngọc Linh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và thống nhất gọi là Sâm Việt Nam, với tên khoa học là Panax Vietnamesis Ha & Grushv.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) luôn tổ chức hội chợ trưng bày và bán sâm Ngọc Linh của các hộ trồng sâm tỉnh này và thu về hàng tỷ đồng.
Theo VNE