Khẩu trang Việt Nam chờ xuất đi Mỹ, châu Âu

Thứ ba, 14/04/2020, 14:28
Hàng triệu chiếc khẩu trang TNG đã xuất sang châu Âu, trong khi May 10 cũng vừa nhận đơn hàng từ Đức, Mỹ.  

Khẩu trang đang là "cứu cánh" của doanh nghiệp dệt may, bù đắp cho các đơn hàng may gia công xuất khẩu bị đối tác hoãn, huỷ.

400 triệu khẩu trang y tế là số lượng trong đơn hàng Tổng công ty May 10 vừa ký với đối tác giao hàng trong tháng 7. Ngoài đơn hàng khẩu trang y tế, May 10 còn nhận được các đơn hàng từ Đức, Mỹ cho khẩu trang vải kháng khuẩn, tổng cộng hơn 20 triệu chiếc.

Không riêng May 10, TNG cũng đã xuất những lô hàng khẩu trang đi châu Âu gần một tháng nay. Hàng triệu chiếc khẩu trang vải nano kháng khuẩn đã có mặt tại Pháp, Bỉ, Đức... Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, cánh cửa sang Mỹ của khẩu trang vải kháng khuẩn cũng đang rộng.

Công nhân sản xuất khẩu trang tại Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG. Ảnh: Ngọc Thành

Ngày 6/4, 500 chiếc khẩu trang vải nano kháng khuẩn TNG đã được doanh nghiệp này tặng Sở Cảnh sát thành phố New York (Mỹ). Nhưng để có "visa" xuất khẩu chính thức sang Mỹ, doanh nghiệp vẫn cần đạt giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng CE, giấy chứng nhận FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm) của Mỹ. Dự kiến tuần này hoặc tuần sau họ sẽ xong các thủ tục này.

Ngoài khẩu trang nano vải kháng khuẩn, ông Thời còn tiết lộ kế hoạch sản xuất khẩu trang y tế từ trung tuần tháng 5. Dây chuyền, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế đã được TNG nhập và sẽ về nhà máy trong 40 ngày nữa. "Có dây chuyền về là chúng tôi sẽ vào ca sản xuất luôn, thị trường đầu ra cho mặt hàng này đang khá tốt", ông tiết lộ.

Khi Covid-19 xảy ra, ngành dệt may đối mặt với "cú sốc kép". Đầu tiên, trong tháng 2, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, họ bị đứt nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu là vải, từ Trung Quốc. Sang tháng 3, nguồn cung được nối lại thì cũng là lúc dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ khiến cho thị trường mua sắm gần như bị đóng băng, các khách hàng liên tiếp giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng.     

Lúc này, chuyển hướng sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập, giảm bớt thiệt hại do bị dừng các đơn hàng.

Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết, các đơn xuất khẩu trang chiếm gần 30% doanh thu của họ trong năm nay, góp phần đảm bảo đủ việc làm cho gần 12.000 người lao động. Tương tự với TNG, doanh thu tiêu thụ nội địa quý I đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và khẩu trang là mặt hàng giúp công ty bù đắp chính.

Không dừng lại ở khẩu trang, các doanh nghiệp dệt may cũng nhanh chân đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất bộ đồ bảo hộ y tế phòng dịch. Sản phẩm này cũng đang mở ra hướng xuất khẩu tốt cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch TNG cho rằng, để xuất khẩu được khẩu trang (vải kháng khuẩn, y tế) hay bộ đồ bảo hộ y tế phòng dịch, các doanh nghiệp vẫn gặp những trở ngại nhất định. Ông đơn cử, ngoài khẩu trang vải được phép xuất khẩu không hạn chế số lượng, Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu 25% khẩu trang y tế. Còn với bộ đồ phòng chống dịch, hiện chưa có hướng dẫn xuất khẩu của cấp có thẩm quyền mặt hàng này.

Về việc này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc quản lý chặt chẽ xuất khẩu khẩu trang y tế là cần thiết. Ông giải thích, hiện chưa rõ khi nào Việt Nam khống chế được dịch nên phải luôn đề phòng khả năng dịch bùng phát, số ca nhiễm tăng cao. Trường hợp Việt Nam và các nước khác khống chế được Covid-19, khả năng cung ứng và dự trữ trong nước với mặt hàng này đáp ứng đủ nhu cầu, các Bộ ngành sẽ phối hợp xem xét, kiến nghị Chính phủ sau.

Tại cuộc họp ngày 13/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cũng khẳng định chỉ khuyến khích xuất khẩu mặt hàng này sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích