Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán Việt Nam có khả năng đạt mức tăng thu nhập và thương mại cao nhất trong số các thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),
Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế. Theo báo cáo của WB, RCEP có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế bằng cách hỗ trợ thương mại khu vực và chuỗi giá trị.
Để ước tính các tác động kinh tế và phân phối của RCEP ở Việt Nam, WB xây dựng một đường cơ sở và 4 kịch bản thay thế.
Đường cơ sở phản ánh các điều kiện kinh doanh thông thường, nơi các biểu thuế của các hiệp định trước đây, gồm cả Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã được thực hiện, song song với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Trong đường cơ sở, từ năm 2020 đến năm 2035, thuế thương mại bình quân do Việt Nam áp dụng giảm từ 0,8% xuống 0,2%, trong khi các mức thuế mà Việt Nam phải đối mặt giảm từ 0,6% xuống 0,1%.
Để đo lường tác động của RCEP, kịch bản chính sách được so sánh với đường cơ sở này.
Kịch bản thứ nhất (kịch bản thuế quan) chỉ là việc thực hiện thuế theo lộ trình cắt giảm thuế quan của RCEP. Trong kịch bản thứ hai là kịch bản RCEP, WB thực hiện cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan, gồm cắt giảm 35% thuế quan đối với hàng hóa nông nghiệp; 25% vào sản xuất hàng hóa và 25% đối với dịch vụ.
Kịch bản thúc đẩy năng suất thứ ba giả định năng suất tăng lên, do mức độ cởi mở cao hơn và chi phí thương mại giảm.
Chỉ khi việc cắt giảm thuế quan được kết hợp với các rào cản phi mậu dịch (NTBs) thấp hơn, các nhà xuất khẩu mới có thể tận dụng tối đa các mức thuế suất ưu đãi theo quy tắc xuất xứ tự do (ROO).
Theo báo cáo của WB, thu nhập thực tế và thương mại của Việt Nam mở rộng nhanh hơn đường cơ sở trong các kịch bản thuế quan, cắt giảm các biện pháp phi thuế quan, quy tắc xuất xứ cũng như trong kịch bản tăng năng suất.
Báo cáo của WB nêu cụ thể: “Trong kịch bản tăng năng suất, gồm cả cú sốc về năng suất, Việt Nam có mức tăng cao nhất trong tất cả các nước thành viên RCEP. Sách Trắng của WB cho biết thu nhập thực tế tăng 4,9% so với mức cơ sở, cao hơn mức tăng của toàn khối, trong đó thu nhập thực tế tăng 2,5%. Thương mại cũng tăng mạnh nhất trong kịch bản này, với xuất khẩu tăng 11,4% và nhập khẩu tăng 9,2%.”
Trong đường cơ sở, gồm các xu hướng dài hạn và tính đến tất cả các cam kết tự do hóa thuế quan hiện hành trong khu vực (trừ RCEP), thu nhập thực tế ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng 112,7% trong giai đoạn 2020-2035, với xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt là 155,5% và 134,8%.
Với việc thực hiện RCEP, khi quy tắc xuất xứ và năng suất được đưa lên hàng đầu của việc cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan, thu nhập thực tế tăng nhanh hơn, với mức tăng 123,1% trong giai đoạn 2020-2035.
Lợi ích của việc thực hiện các biện pháp này cũng được phản ánh trong thương mại, với mức tăng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 182,5% và 155,5% so với cùng kỳ.
Trong kịch bản chỉ thực hiện cắt giảm thuế quan, tác động đến nền kinh tế Việt Nam là không đáng kể, với thu nhập thực tế gần bằng không. Thương mại cũng giảm nhẹ so với đường cơ sở, với cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm 0,3%.
WB cho biết thêm: “Một số lĩnh vực sẽ bị thiệt hại khi thực hiện thỏa thuận, do sự phân bổ lại nguồn lực cho các lĩnh vực năng suất cao hơn.”.
Theo TTXVN