Đơn hàng dồn dập nhưng doanh nghiệp thực phẩm không dám nhận

Thứ ba, 18/01/2022, 18:32
Chi phí logistics tăng cao, thời gian giao hàng kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt nhận đơn xuất khẩu, theo Hội lương thực thực phẩm TP.HCM.

"Các đối tác trên thế giới đặt hàng nhiều nhưng các thành viên trong hội rất thận trọng nhận đơn", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) chia sẻ tại hội thảo "Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19" ngày 18/1.

Theo bà Chi, các doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm đang vào giai đoạn tất bật nhất để sản xuất hàng Tết và giao đơn xuất khẩu. Hàng chục tấn hàng được đưa đi nước ngoài trong tháng đầu năm 2022, dự báo một năm khả quan. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phải từ chối bớt bạn hàng vì giá đầu vào, thiếu lao động thời vụ và đặc biệt là chi phí vận chuyển cao.

"Đến nay, nguyên liệu đầu vào tăng giá 30-50%", bà Chi nói. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là chi phí logistics. Trước đây, giá một container đi Mỹ chỉ khoảng 2.000 USD, sau hai năm dịch, giá hiện dao động từ 10.000-15.000 USD.

Hàng thực phẩm xuất khẩu còn gặp khó ở thời gian vận chuyển. Ngày trước, đặt một container chuyển đến các cảng ở Mỹ, châu Âu chỉ trong vòng một tháng, giờ tổng thời gian theo tính toán của bà Chi lên đến 3 tháng.

"Hàng chúng tôi có hạn dùng chỉ một năm mà mất đến 3 tháng vận chuyển khiến thời gian sử dụng bị rút ngắn rất nhiều. Chưa kể, trước đây doanh nghiệp có thể chấp nhận xuất hàng hoà vốn hoặc lỗ đôi chút để giữ bạn hàng và nuôi công nhân, giờ họ khó gồng khi chi phí tốn quá nhiều", bà Chi cho biết.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM phát biểu tại hội thảo ngày 18/1. Ảnh: Dự án USAID TFP

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM phát biểu tại hội thảo ngày 18/1. Ảnh: Dự án USAID TFP

Một số ngành khác như chế biến gỗ, cơ khí cũng xác nhận chi phí logistics đang ở mức cao, tăng 2-3 lần, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất.

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM xác nhận, chi phí vận tải biển đã tăng từ 3 đến hơn 10 lần trong hai năm qua, áp lực lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất lớn. Trước đây, hàng từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đi Mỹ có thể mất 18-30 ngày giờ lên 3 tháng.

"Các doanh nghiệp thành viên chúng tôi cố gắng giữ nguyên giá trong thời gian qua nhưng phần việc doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ chiếm một công đoạn nhỏ trong toàn bộ quá trình xuất khẩu nên chi phí tổng thể vẫn tăng", ông giải thích.

Chỉ số container toàn cầu của Freightos Baltic (FBX) chuyên theo dõi chi phí vận chuyển bằng container cho biết, chi phí vận chuyển một đơn vị container 40 feet (FEU) vào cuối năm ngoái đã giảm khoảng 15% so với mức cao kỷ lục trên 11.000 USD vào tháng 9/2021. Nhưng so với trước đại dịch, cùng một loại container này, chi phí chỉ có 1.300 USD.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 11/2021 cho biết giá cước vận tải cao đang đe dọa sự phục hồi toàn cầu. Chúng có thể tăng giá nhập khẩu toàn cầu lên 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% đến năm 2023. Các chuyên gia quốc tế cũng dự báo giá cước vận tải biển sẽ không thể quay về bình thường trước 2023.

Diễn biến chỉ số FBX trong hai năm dịch vừa qua. Đồ họa: Reuters

Diễn biến chỉ số FBX trong hai năm dịch vừa qua. Đồ họa: Reuters

"Chi phí logistics trong xuất nhập khẩu còn cao. Do đó, hy vọng đề án phát triển logistics sẽ kéo giảm xuống", ông Đặng Thái Thiện, Phó phòng Giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TP.HCM nhắc đến đề án phát triển logistics của TP.HCM như một hướng góp phần "hạ nhiệt" thị trường.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đề án hướng đến chiến lược phát triển cụm ngành logistics, chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tăng kết nối từ vùng sản xuất đến vùng xuất khẩu, đưa thành phố thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của vùng. Ông Hiếu cho hay, đề án đang được xây dựng, định ra chiến lược đến 2025, tầm nhìn 2030.

Theo ông Huỳnh Văn Cường, Việt Nam cần hình thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn và có cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp này phát huy vai trò dẫn dắt thị trường để giảm chi phí logistics, giúp ngành này phát triển.

Hiện tại, các công ty nội địa chỉ mới cung cấp các dịch vụ phổ thông. Ngoài việc chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm, theo ông Cường còn vấn đề cốt lõi là 65% và 73% hàng nhập/xuất khẩu được thực hiện bởi doanh nghiệp FDI, với hầu hết gói thầu logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế. Nói cách khác, tuy không hoàn toàn nhưng phần lớn công ty sản xuất sẽ ưu tiên công ty logistics quốc gia họ.

"Như vậy, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần người Việt Nam dùng dịch vụ của công ty Việt Nam", ông đề xuất.

Theo VNE

Các tin cũ hơn