Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, sau nhiều vụ việc hành khách đe dọa an ninh an toàn hàng không gây thiệt hại lớn, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT tải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Cơ sở của đề xuất mà Vietnam Airlrines đưa ra xuất phát từ việc đã có rất nhiều vụ việc đe dọa tới an ninh, an toàn hàng không liên tiếp xảy ra trong thời gian qua như hành khách: dọa bom, mở cửa thoát hiểm máy bay, gây rối trên máy bay... Tuy nhiên, hình thức xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay với mức cao nhất là 20 triệu đồng/lần vi phạm là chưa đủ sức răn đe.
"Vietnam Airlines đã có đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm đối với các hành vi đe dọa tới an ninh, an toàn hàng không. Bộ GTVT cho rằng tăng mức xử phạt là cần thiết. Sau nhiều năm hàng không Việt Nam đi vào hoạt động, để hội nhập với thế giới thì cần nâng cao nhận thức của người đi máy bay và có răn đe với người vi phạm", Thứ trưởng Trường nói.
Ông Trường cũng nói rằng hiện Bộ đã giao cho cấp, các ngành liên quan nghiên cứu vấn đề này để điều chỉnh mức xử phạt lên cao hơn trong thời gian tới.
Hình thức xử phạt vi phạm mức cao nhất là 20 triệu đồng/lần như hiện nay chưa đủ sức răn đe |
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh thanh tra Bộ GTVT cũng cho biết, sẽ đề nghị tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thậm chí có thêm hình thức phạt bổ sung đối với người vi phạm là bồi thường thiệt hại khi hãng vận chuyển yêu cầu.
Vẫn cạnh tranh lành mạnh?
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng khi Vietnam Airlines tiếp nhận vốn nhà nước của Jetar Pacific từ SCIC Vietnam Airlines sẽ càng trở nên vững chắc với thế độc quyền so với 2 hãng hàng không tư nhân mới là Air Mekong và VietJetAir. Bất kỳ động thái nào của Vietnam Airlines như điều chỉnh giá vé, chính sách khuyến mãi hay dịch vụ mặt đất đều có tác động lớn đến các hãng khác. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, thị trường hàng không Việt Nam vẫn đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và không có vấn đề gì đáng lo ngại khi Vietnam Airlines tiếp nhận vốn Nhà nước và điều hành Jetstar Pacific.
"Thực chất trước đây cổ phần Nhà nước của Jetstar Pacific cũng đã chiếm tới 75%, điều này tức đã là Nhà nước rồi. Vì thế, việc nhập vốn nhà nước của Jetstar Pacific sang vốn Nhà nước của Vietnam Airlines là rất bình thường.
Tuy nhiên, hoạt động của Jetstar Pacific là hàng không giá rẻ, chỉ có cá dịch vụ trên máy bay là không bắt buộc và không có ghế VIP, thương gia...còn an toàn bay là như nhau. Do vậy, khi nhập 2 hãng này lại với nhau cũng không có gì ảnh hưởng ", ông Trường khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Trường, để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh, Bộ GTVT luôn tạo điều kiện cho các hãng có được những thuận lợi như giờ bay linh hoạt, dịch vụ máy bay...