Những kịch bản bi quan
Xăng dầu tăng giá chắc chắn tác động đến lạm phát nhưng mức độ ảnh hưởng như thế nào còn phụ thuộc vào việc kiểm soát đối với các mặt hàng liên quan và sự ứng phó đồng thời của các chính sách tiền tệ.
Ngay sau khi giá xăng dầu tăng, các chuyên gia phân tích từ các công ty chứng khoán đều có những tính toán với nhiều kịch bản bi quan.
Giá xăng và dầu được điều chỉnh tăng từ chiều ngày 7/3 nhưng theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sẽ tác động mạnh nhất tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 4. Tác động trong tháng 3 ít hơn do thời gian còn lại của tháng chỉ còn một kỳ tính giá cho việc tính CPI là ngày 15/3.
Theo VCSC, tác động trực tiếp của việc điều chỉnh tăng giá xăng 2.100 đồng/lít (+10%) lên 22.900 đồng/lít bắt đầu từ 16h chiều 7/3 lên CPI ở khoảng 0,37%.
Trong khi đó, theo tính toán của Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) dựa trên cả những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, giá xăng tăng 1% thì CPI sẽ tăng thêm 0,33%, kéo dài trong từ 2-3 tháng.
Theo HSC, mức độ tăng lần này gấp đôi so với kỳ vọng của công ty (tính cả xăng và dầu) nên điều này sẽ khiến CPI tăng thêm tổng cộng khoảng 2,5-3% trong vòng 3 tháng tới. Ảnh hưởng tăng CPI sẽ rơi nhiều nhất vào tháng 4 trước khi hạ nhiệt bớt vào tháng 5.
Riêng trong tháng 3, cả VCSC và HSC đều đưa dự báo CPI tăng khoảng 1% - cao hơn khá nhiều so với một số dự báo trước đó là 0,5-0,6%. CPI tháng 4, HSC cho rằng sẽ ở mức khoảng +1,8%.
Với mức tăng 2,36% trong hai tháng đầu năm và gần 2,8% theo dự báo cho hai tháng tiếp theo, thì CPI trong 4 tháng đã lên tới gần 5,2%.
Vì thế, con số 12% như dự báo của Công ty chứng khoán SSI cũng không phải là không có cơ sở.Trước đó, trong báo cáo cập nhật về lạm phát ngày 14/2, SSI cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ khó ở mức dưới 1 con số. Dựa trên những tính toán cho rằng xăng dầu sẽ không có mức tăng 4.000-6.000 đồng trong cả năm 2012 nhưng với mức tăng như vừa qua cũng sẽ khiến lạm phát cả năm sẽ ở xung quanh con số 12%.
Ông Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường và Giá cả, (Bộ Tài chính) cho rằng, với mức tăng tới 10%, khả năng lạm phát tăng là điều khó tránh.
Theo đó, thời điểm tháng 7/2008, giá xăng tăng đến 4.500 đồng mỗi lít, CPI lên gần 23%. Tháng 2/2011, xăng tăng 2.900 đồng thì lạm phát cả năm cũng hơn 18%. "Mức tăng 2.100 đồng cho mỗi lít xăng vừa qua sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát.
Vì thế, mục tiêu lạm phát năm 2012 là dưới một con số, tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm con số này đã là 2,36%, như vậy, áp lực 10 tháng còn lại không vượt quá ngưỡng 6,64%. Đây là áp lực này là rất lớn trong bối cảnh giá xăng, dầu, gas và sắp tới là điện có khả năng tăng.
Trông chờ khả năng điều hành
Tuy nhiên, trong một góc nhìn bình tĩnh hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cho rằng, đương nhiên, giá xăng dầu tăng thì sẽ ảnh hưởng đến đầu vào của giá nhiều mặt hàng. Nhưng riêng năm nay việc tăng giá này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát vì yếu tố để tăng giá không có nhiều. Mặt khác, hiện nay sản xuất còn đang khó khăn, nhiều DN phải dừng sản xuất cho nên yếu tố giảm phát nhiều hơn. Tuy nhiên, bà Hiền cũng lưu ý, chính phủ phải điều hành các công cụ vĩ mô một cách linh hoạt và hiệu quả để chống lạm phát và duy trì được tăng trưởng.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát, thị trường và người tiêu dùng. Mục tiêu lạm phát một con số mà Chính phủ đề ra sẽ gặp khó.
Nhìn lại các kịch bản lạm phát trên đây có thể thấy, đa số đều lo ngại lạm phát lại có thể lên mức 2 con số. Và để kiềm chế lạm phát, công cụ chính sách tiền tệ lại được chú ý.
Lạm phát khoảng 12% thì chắc chắn trần lãi suất huy động sẽ không kéo được về mức 10% (mỗi quý giảm 1%) như kế hoạch mà Thống đốc NHNN phát biểu trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 và trên báo chí vừa qua.
Lãi suất cho vay ra chắc chắn sẽ không giảm nhiều và điều đó cũng có nghĩa là hàng loạt các doanh nghiệp sẽ không có cơ hội để thoát khỏi vũng bùn nợ nần. Sản xuất có thể sẽ đình trệ và có nguy cơ kéo nền kinh tế vào một vòng xoáy lạm phát mới.
Có thể thấy, cũng như các số liệu phân tích các lần tăng giá trước đây, tác động tăng giá trực tiếp của mỗi đợt tăng giá xăng dầu là khá lớn nhưng tác động gián tiếp lớn hơn nhiều, trong đó có một phần là hàng hóa và dịch vụ ăn theo giá xăng một cách vô lý, kiểu tát nước theo mưa. Ngay sau khi giá xăng dầu tăng, một loạt các hãng taxi đã thấp thỏm xin tăng cước. Giá vận tải hàng hóa chắc chắn không sớm thì muộn sẽ tăng theo.
Bên cạnh đó, để giá cả hàng hóa và dịch không tăng một cách quá vô lý, thì việc kiểm soát dòng tiền ra thị trường cũng có thể cần được giữ chặt chẽ tương đối như trong năm vừa qua cũng được trông chờ.
Gần đây, đang có dấu hiệu của một lượng tiền lớn được bơm ra ngoài thị trường thông qua việc mua ngoại tệ và bơm vào ngân hàng giúp tăng thanh khoản cho hệ thống này.
Việc đảm bảo sự ổn định cho hệ thống ngân hàng và bảo đảm vốn của Nhà nước tại các tập đoàn là sự cần thiết nhưng hơn hết là phải có minh bạch, kém hiệu quả... để gia tăng hiệu quả.
Trong khi đó, từ phía các DN, chính họ cũng đang có những biện pháp của riêng mình để đối phó. Ông Đỗ Mạnh Thế - chủ doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Đỗ Thế Gia tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm chia sẻ, thị trường và nền kinh tế khó khăn buộc doanh nghiệp phải linh hoạt và năng động hơn.
Sự điều chỉnh tăng giá nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất theo biến động khách quan của kinh tế thế giới là bất khả kháng. Tuy nhiên nếu các yếu tố quan trọng khác của chính sách kinh tế vĩ mô được tháo mở linh hoạt, được điều tiết nhịp nhàng, cân đối và niềm tin không bị lung lay thì sự chung tay góp sức đắc lực của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong việc kìm hãm lạm phát phi mã là hoàn toàn có thể trong tầm tay.
Ngay từ năm ngoái, dưới áp lực của đầu vào và chi phí vốn tăng cao, để hạn chế tối đa việc trực diện tăng giá bán, doanh nghiệp phải "lách" bằng cách giảm lợi nhuận; cho ra lò thành phẩm có khối lượng tịnh nhỏ hơn trước; điều chỉnh giá nhích lên một cách từ từ; thay vì ngồi nhà gọi điện cho các đầu mối mang hàng đến thì nay phải chủ động tìm kiếm, khai thác các nguồn nguyên liệu trực tiếp từ địa phương... Nếu chưa làm được điều đó, thói quen không thể kiềm chế ăn theo mỗi lần tăng giá xăng dầu là mặt bằng giá cả nhích lên 10-15% đang ngấp nghé trước mắt người dân trong 1-2 tháng tới.
Theo VEF