Giải mã dòng tiền “khủng” vào chứng khoán

Thứ sáu, 09/03/2012, 09:48
Chứng khoán dường như đang tăng bù cho sự sụt giảm vào cuối năm 2011, nhưng dòng tiền hỗ trợ cho thị trường từ đâu ra?



Tiền “chạy” khỏi ngân hàng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng huy động vốn trong nền kinh tế tháng 1-2012 giảm 3,29%, trong khi đó tín dụng giảm 0,79%. Như vậy, đã có khoảng 100.000 tỷ đồng được rút ra khỏi ngân hàng trong tháng 1. Việc tăng trưởng tín dụng giảm có lẽ một mặt do lãi suất thấp hơn kỳ vọng của người gửi tiền, mặt khác do người dân lo ngại rủi ro từ phía các ngân hàng.

Cho đến nay số liệu về hoạt động ngân hàng tháng 2 của cả nước chưa được công bố. Tuy nhiên, với số liệu hoạt động trên thị trường tiền tệ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy phần nào bức tranh của thị trường tiền tệ trong tháng 2. Theo đó, vốn huy động tại TPHCM trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 0,5%, còn tại Hà Nội lại giảm tới gần 4%. Như vậy, tính tổng cộng số dư tiền gửi trong 2 tháng tại Hà Nội và TPHCM đã giảm 1,6%, tương đương với khoảng 27.000 tỷ đồng rút khỏi hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, lãi suất huy động VNĐ đối với không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, niêm yết phổ biến ở mức 4-6%/năm, 13-14%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Nhưng tình hình huy động vốn của ngân hàng hiện chưa được cải thiện so với thời điểm cuối năm 2011.

Lãnh đạo một số ngân hàng tại TPHCM cho rằng nguyên nhân của sự khó khăn này là do lãi suất huy động được cào bằng ở mức trần 14% ở tất cả các ngân hàng. Mức lãi suất này có lẽ không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư trước rủi ro của ngân hàng và lạm phát vẫn còn cao. Vì vậy, một lượng tiền lớn đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng. Một câu hỏi được đặt ra: lượng tiền đó đã về đâu?

Chứng khoán: ứng cử viên sáng giá

Trong bối cảnh khó khăn hiện này, dường như tiền đổ vào đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ không lớn mà thường được đổ vào các kênh đầu cơ để kiếm lời nhanh hơn. Các kênh đầu tư thông thường là chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và có thể một phần tiền cho vay trên thị trường chợ đen. Nổi bật nhất chỉ có chứng khoán được giao dịch sôi động trong hai tháng qua. Hầu hết các cổ phiếu đã hồi sinh một cách mạnh mẽ và thanh khoản tăng vọt.

Tính từ thời điểm đáy của thị trường ngày 6-1-2012 đến ngày 5-3-2012, chỉ số VN-Index đã tăng 35,48%, còn HNX-Index tăng 44,98%. Thanh khoản của thị trường tăng rất mạnh, từ mức 300-500 tỷ đồng mỗi phiên từ trước tết, nay đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng/phiên. Việc cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian qua và đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 9-2011 đến nay là điều khá bất ngờ. Tuy nhiên, xét cho cùng cũng là một phản ứng có phần hợp lý của thị trường.

Trước đó, chứng khoán giảm xuống quá thấp, đến mức dường như phi lý đã kích thích được lòng tham của nhà đầu tư. Đặc biệt, khi điều kiện kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu tích cực hơn như lạm phát giảm tốc, tỷ giá ổn định, nhập siêu giảm.

Bên cạnh đó, những thông tin khác hỗ trợ tốt cho thị trường như nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ quay trở lại mua ròng rất mạnh. Nếu loại trừ việc khối này bán ròng rất mạnh 3 mã cổ phiếu STB, VIC và HAG (tổng giá trị bán ròng 3 cổ phiếu này tính từ đầu năm đến nay trên 3.000 tỷ đồng) như trường hợp cá biệt thì trong 2 tháng vừa qua họ đã mua vào tới 2.000 tỷ đồng.

Một lý do không thể không kể đến là thị trường được hỗ trợ khá tích cực bởi các chính sách đối với thị trường chứng khoán. Sự ra đời của chỉ số VN 30 được kỳ vọng sẽ làm tham chiếu tốt cho thị trường. Đặc biệt, đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán được Bộ Tài chính soạn thảo và đã được Thủ tướng phê duyệt, kỳ vọng sẽ khắc phục được những yếu kém của thị trường hiện nay.

Như vậy, thị trường đã hội tụ được các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên việc tăng mạnh không phải không có lý. Chứng khoán trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các dòng vốn nhàn rỗi vừa rút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Lợi nhuận cao từ chứng khoán đang kích thích lòng tham của nhà đầu tư một cách mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, hiện tại nguồn tiền cho vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán cũng giải ngân hết công suất. Dòng tiền vào thị trường đang hưng phấn và những chính sách về thị trường cùng nền tảng vĩ mô của nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu tích cực.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích