Thoát cổ phiếu ngân hàng

Thứ sáu, 09/03/2012, 11:29
Trong khi dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào nhóm CP NH suốt hơn một tuần nay, các nhóm nắm giữ CP với khối lượng lớn lại đang lợi dụng tình hình để bán ra thật nhanh.

CP Habubank (HBB) là một trong những CP nóng nhất trong thời gian gần đây bởi lượng giao dịch “khủng” kéo dài liên tiếp lên đến 10 - 40 triệu đơn vị/phiên, cao hơn gấp nhiều lần những CP thuộc top thanh khoản khác. Tuy nhiên khi theo dõi tình hình giao dịch, các lệnh bán HBB hầu hết đều được đặt với khối lượng lớn lên đến hàng trăm ngàn đến hàng triệu đơn vị mỗi lệnh. “Chỉ có các tổ chức mới có thể nắm nhiều CP để đặt lệnh với khối lượng lớn đến thế” - ông Trần Thế Phong, chuyên viên phân tích CTCK Sài Gòn (SSI) nhận xét.

Theo ông Phong giải thích, HBB là một trong những CP được dùng để thế chấp trong các tài khoản giao dịch ký quỹ nhiều nhất thời gian vừa qua. Việc giá CP sụt giảm quá nhanh khiến các CTCK có nguy cơ lỗ nếu bán ra, nói cách khác cổ phiếu này bị “kẹp” rất nhiều tại các CTCK. Bên cạnh đó, cũng nhiều người của chính NH đã “trót” mua HBB với khối lượng lớn thời kỳ CP này còn xấp xỉ giá 10. Nay nhóm các NĐT này cùng với các CTCK bị “kẹp” tận dụng các tin đồn xung quanh Habubank đẩy giá CP lên để “thoát hàng,” ông Phong nhận xét. “Theo như bên SSI theo dõi, lượng cầu thật sự đối với CP này lại không phải nhiều. Một lượng lớn giao dịch của HBB là do các CTCK mua tay phải, bán tay trái để đẩy thanh khoản lên” - ông Phong nhận định.

Thực tế, những thông tin không chính thức cũng đang rộ lên xung quanh Habubank sau khi NH này công bố lợi nhuận suy giảm với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bị hạn chế ở 8%. Trong số đó, có tin đồn Habubank có thể bị sáp nhập với một NH quốc doanh hoặc một tổ chức tư nhân nào đó đang gom mua CP HBB với mục đích thâu tóm. Tin đồn này càng lan truyền rộng rãi khi HBB bắt đầu có khối lượng giao dịch “khủng”, khiến sức nóng của CP này càng trở nên mạnh mẽ, kéo theo một lượng lớn các NĐT nhỏ lẻ “đu” theo CP này.
 

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch trong 1 tháng.


Không ít người cũng đang suy luận rằng, bản thân các ông chủ của HBB cũng đang ra sức “phòng thủ” trước áp lực thâu tóm, giống như trường hợp của STB khi mua CP quỹ trước đây khiến giá STB tăng nhanh bất ngờ. Chỉ trong thời gian ngắn hơn 1 tuần từ khi lượng giao dịch bắt đầu tăng vọt, giá của HBB đã tăng hơn 50% từ 4,8 lên 7,3. Trong khi đó, nợ xấu của Habubank, đặc biệt khoản nợ xấu tiềm ẩn từ lượng trái phiếu Vinashin mà HBB đang nắm giữ, tiếp tục là mối lo ngại của giới phân tích về NH này.

Nếu như HBB “hâm nóng” sàn Hà Nội, thì CP của NH Quân đội (MBB) lại cũng đang làm nóng sàn TPHCM với lượng khớp lệnh trung bình đạt hơn 8 triệu đơn vị trong 10 phiên gần đây.

Xét trên các yếu tố bề ngoài, CP này bắt đầu được các NĐT nước ngoài hỗ trợ từ cuối tháng 1, với lượng gom ròng của khối này đã lên tới hơn 14 triệu đơn vị tính đến cuối tháng hai. Từ một tuần nay, khối lượng giao dịch của MBB luôn vượt xa các CP cùng sàn và đạt đỉnh 16 triệu đơn vị trong phiên hôm thứ tư - gấp gần 3 lần CP thanh khoản thứ hai sàn HoSE là SBS trong cùng phiên.

Tuy nhiên cũng như HBB, phần lớn giới đầu tư đều biết MBB cũng là một trong những CP được dùng để thế chấp nhiều nhất thời gian qua. Giới chuyên môn trong ngành cũng cho biết các tổ chức “kẹp” CP này cũng tương đối nhiều và luôn chực chờ bán ra khi có thể. Thực tế, độ rủi ro khi nắm giữ MBB dường như không hề nhỏ. Mặc dù kết quả kinh doanh của NH Quân đội luôn thuộc hàng mạnh khỏe, song giới đầu tư vẫn đang luôn lo ngại nhiều hơn những gì họ có thể thấy trên báo cáo tài chính.

Cũng trong hơn một tuần nay, các cổ đông lớn của NH Quân đội đã liên tiếp từ chối quyền mua thêm cổ phần trong đợt phát hành thêm tháng ba của NH. Tổng Cty Trực thăng đăng ký bán toàn bộ gần 53 triệu quyền mua của mình, GĐ tài chính, PTGĐ và một thành viên Ban kiểm soát cũng lần lượt đăng ký bán toàn bộ quyền mua. Tiếp đó, Tổng Cty 28 cũng đăng ký bán toàn bộ 8 triệu quyền mua MBB của mình.

Thông tin lẫn tin đồn mua bán, sáp nhập đang trở thành cái cớ lợi hại cho những ai muốn “thoát” CP NH. Bên cạnh HBB và MBB, một số các CP khác hiện cũng liên tiếp có lượng giao dịch đột biến, đều là của những NH liên quan đến các hoạt động mua, bán sáp nhập (điển hình là EIB và STB) hoặc những NH có “dính” tin đồn mua, bán sáp nhập.

Ngược lại, CP của những NH đương nhiên khỏe mạnh như Vietinbank và Vietcombank lại không có biến động gì đáng kể trong giao dịch. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên viên phân tích CTCK ACB nhận xét đối với VCB và CTG, những người muốn đầu cơ CP cũng sẽ phải cân nhắc bởi NH Nhà nước trên một mức độ nhất định cũng sử dụng các NH này làm công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Hơn thế nữa, room của khối ngoại tại VCB và CTG cũng gần cạn, khó có thể “đánh lên” được hai CP này.

Trong khi đó, các NĐT nhỏ lẻ vẫn lao vào cuộc đua CP NH với hy vọng CP của những NH “kỳ vọng có biến động” sẽ tăng vọt như giá của STB trong những tháng qua. Chỉ trong tháng 2 vừa rồi, nhóm cổ phiếu tài chính đã tăng 27,5%, gần gấp đôi mức tăng 15,3% của chỉ số VN-Index, nhờ vào sức tăng của nhóm CP NH. Trong đó, HBB tăng 33%, SHB tăng 37%, MBB 33%, vượt xa mức tăng chỉ xấp xỉ 21-22% của VCB và CTG. “Người gom mua thì chưa chắc chắn được, nhưng người bán thì đã khá rõ ràng” - ông Phong nhận xét. “Thời gian này, những CP càng được giao dịch với khối lượng khủng, thì càng có nhiều khả năng đây là những CP bị kẹp hàng và người nắm đang lợi dụng tình hình để thoát hàng”.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích