Thiệt thòi cổ đông nhỏ

Thứ năm, 08/03/2012, 17:36
Không am hiểu về ngành ngân hàng, sở hữu tỷ lệ thấp là 2 trong số rất nhiều những điểm thiệt thòi của cổ đông nhỏ lẻ khi tham dự ĐHCĐ các NHTM.


Thiếu thông tin, yếu chuyên môn

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Mở TPHCM, chỉ ra thực tế: Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân hay cổ đông nhỏ lẻ thông thường không thể “bắt mạch” được hoạt động của các NHTM. Vì vậy, tâm thế của các cổ đông nhỏ lẻ khi dự ĐHCĐ chủ yếu để nghe ngóng và ngại phát biểu ý kiến đóng góp.

Hoạt động kinh doanh của các NHTM vốn dĩ phức tạp, báo cáo tài chính (BCTC) cũng chỉ khái quát chuyện lãi/lỗ, còn những vấn đề ẩn sâu bên trong cần phải có nhiều công cụ khác để nhận diện, nên cổ đông nhỏ lẻ rất khó biết được. Kèm theo đó việc lãnh đạo nhiều ngân hàng “xài chiêu” kéo dài thời gian ĐHCĐ bằng các tiết mục văn nghệ, khiến nhiều NĐT mệt mỏi, chán nản và bỏ về trước khi đến phần hỏi đáp, biểu quyết.

Quý IV-2011, Habubank (HBB) lỗ trước thuế gần 55 tỷ đồng, nhưng HBB lại là một trong những cổ phiếu nóng nhất trên thị trường thời gian qua cả về giá lẫn thanh khoản. Vậy HBB bị lỗ là thông tin xấu hay tốt và liệu NĐT tiếp cận với HBB vì thông tin như đã công bố hay còn vì lý do nào khác?

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới Công ty chứng khoán (CTCK) MHBs, lý giải: Hoạt động của NHTM không chỉ nằm ở tổng tài sản, doanh thu, EPS hay ROA, ROE mà còn nằm ở các chỉ số như NIM (tỷ lệ lãi biên), CAR (tỷ lệ an toàn vốn), nợ xấu.

Ở đây, cho dù NĐT có biết cũng khó tính được bởi những dữ liệu này lại không được thể hiện đầy đủ trong BCTC. Bởi hiện nay chưa có cơ chế để giám sát hoặc bắt buộc trong thuyết minh BCTC phải đầy đủ dữ liệu nêu trên.

Tại thời điểm 31-12-2010, nợ có khả năng mất vốn của HBB có giá trị khoảng 188 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm 31-12-2011 con số này đã tăng gần gấp đôi, lên hơn 366 tỷ đồng. Trong khi đó, thuyết minh BCTC của HBB chỉ nêu ra con số mà không có sự giải thích rõ ràng.

Trong công bố của HBB với HNX, ngân hàng này cho biết do kinh tế khó khăn nên nhiều khách hàng chậm trả nợ. Vì vậy dư nợ của những khách hàng này được chuyển qua nhóm nợ xấu, dẫn đến chi phí trích lập dự phòng của HBB tăng lên.

Đây là khoản chi phí cần thiết, được giữ lại ngân hàng để đảm bảo an toàn cho hoạt động. Hiện HBB đang tích cực phối hợp làm việc với khách hàng để thu hồi các khoản dư nợ này. Cách giải trình này rất chung chung, NĐT có thể đặt câu hỏi HBB có thể thu hồi được số tiền bao nhiêu, thời điểm nào. Nợ xấu bao gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.

Do vậy việc điều chuyển, phân loại các khoản nợ này sao cho chính xác vẫn là vấn đề cần phải tìm hiểu thêm và điều này lại quá tầm NĐT cá nhân. Bởi thực tế, thông tin của NHTM và doanh nghiệp niêm yết hiện nay dành cho NĐT vẫn chỉ là 1 chiều, “cho” gì NĐT “nhận” nấy và tự suy xét.

Yếu thế, thiếu liên kết

Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận phân tích CTCK BIDV (BSC), cho biết NĐT cá nhân sở hữu cổ phiếu thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với vốn điều lệ của ngân hàng, nên trong một chừng mực nào đó tiếng nói cũng khó lòng có trọng lượng nếu không có một ý tưởng đột phá nào.

Do vậy cách thức đầu tư ngắn hạn, theo sóng nên NĐT không cần quan tâm đến chiến lược dài hạn hay thông tin quan trọng, mà chỉ cần nhìn giá cổ phiếu hoặc nghe những thông tin bên ngoài. Bên cạnh đó, kiểu suy nghĩ mình “không là gì” nên nhiều NĐT cũng không đến tham dự ĐHCĐ, làm giảm hẳn vai trò của một khối không nhỏ các NĐT.

Năm nay, ĐHCĐ của các NHTM dự báo thu hút dư luận khi các vấn đề thâu tóm, sáp nhập và tái cấu trúc sẽ được nói đến rất nhiều. Đây là những việc các ngân hàng phải thực hiện theo đề án tái cơ cấu hệ thống để nâng chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề mang tính chất dài hạn chứ không đơn thuần là thông tin để phục vụ cho việc “đánh đấm” ngắn hạn. Vì thế NĐT cá nhân cần tỉnh táo để không rơi vào “bẫy”. 

Những ai từng giao dịch, hoặc làm môi giới cổ phiếu Eximbank (EIB) hay MB (MBB) thời chưa lên sàn đều biết NĐT cá nhân nắm giữ khối lượng vài trăm nghìn, thậm chí lên đến hàng triệu không phải hiếm. Những NĐT này có nhiều tiền, lại mua giá rẻ ngay từ những ngày đầu ngân hàng bán cổ phần.

Bên cạnh đó, do các ngân hàng chia thưởng, phát hành thêm cổ phiếu nên khối lượng nắm giữ của những NĐT này tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, vì vốn điều lệ (VĐL) của ngân hàng quá lớn, một cá nhân dù nắm 1-2 triệu cổ phiếu thì tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng chưa “thấm tháp” gì.

Thí dụ, tháng 10-2009, EIB niêm yết khoảng 880 triệu cổ phiếu, như vậy NĐT nắm giữ 1 triệu CP cũng chỉ tương đương với tỷ lệ 0,11%. Trong khi đó, với doanh nghiệp có VĐL chừng 100 tỷ đồng, tương ứng 10 triệu cổ phiếu tính theo mệnh giá 1.0, NĐT nắm 1 triệu cổ phiếu sẽ có tỷ lệ sở hữu lên đến 10%.

Một vấn đề không kém phần quan trọng cần làm rõ là thù lao của HĐQT cũng như tổng giám đốc. Theo luật sư Trần Minh Hải, về thù lao của HĐQT, ĐHCĐ của ngân hàng sẽ quyết định vấn đề này, nhưng trong thực tế thường ít khi được mổ xẻ một cách kỹ lưỡng, trừ trường hợp phát hiện HĐQT lạm quyền, ngân hàng hoạt động kém cỏi, NĐT mới quay lại nhìn.

Thí dụ, một ngân hàng lãi hàng nghìn tỷ đồng, việc trích vài chục tỷ đồng để thưởng cho HĐQT không phải là vấn đề lớn. Nhưng điều NĐT cần là một sự rạch ròi, thưởng đúng người, đúng thành quả. Tại ĐHCĐ năm 2011 của Vietcombank (VCB), trong tờ trình về thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát, HĐQT đã đề xuất mức thù lao 0,28% của lợi nhuận sau thuế, nguồn từ quỹ tiền lương được phê duyệt của ngân hàng.

Năm 2010, ĐHCĐ của VCB cũng phê duyệt tỷ lệ như trên. Tuy nhiên, thưởng cho ai, bao nhiêu lại không nói đến. Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, cách “gom” mức thưởng “theo gói” rồi chia ra như vậy cần được tách bạch, cụ thể hơn.

Về vấn đề lương của tổng giám đốc, TS. Nguyễn Văn Thuận cho rằng phải công khai rạch ròi, vì vị trí lãnh đạo của NHTM có quyền lực và trách nhiệm rất lớn. NĐT phải biết được lương mỗi năm hoặc hàng tháng của tổng giám đốc bao nhiêu để xác định xem có xứng đáng hay không.

Ngược lại tổng giám đốc khi công khai lương của mình cũng phải biết rõ những gì mình cần làm để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm.

Theo ĐTTC

Các tin cũ hơn