Nhân viên VinaPhone: Chẳng thấy cấp trên chỉ đạo gì?
Những ngày qua, thông tin về việc sáp nhập 2 nhà mạng lớn VinaPhone và MobiFone tốn khá nhiều giấy mực của giới báo chí và dư luận. Tuy nhiên, ngược lại với làn sóng sục sôi, đầy háo hức và tò mò thông tin như “dân ngoại đạo”, người của VinaPhone và MobiFone lại tỏ ra khá bình tĩnh tới mức hờ hững.
PV: “Anh có nghe thông tin về đề án sáp nhập 2 nhà mạng”
- Có, tôi mới chỉ đọc trên báo.
PV: “Trước đó anh chưa nghe chỉ đạo gì từ cấp trên”
– Không, chẳng thấy ai nói gì cả.
PV: “Anh có băn khoăn, lo lắng gì về điều này không?”
– Không, sáp nhập hay không sáp nhập thì vẫn thế, anh em chúng tôi vẫn làm việc bình thường. Mà chắc còn lâu mới sáp nhập.
PV: “Tại sao lại còn lâu mới sáp nhập?”
– Vì chuyện này đã bàn từ lâu lắm rồi mà. Cuối cùng có thấy cái gì thay đổi đâu?!
Đó là một cuộc trò chuyện ngắn của PV với một nhân viên đang làm việc trong đội ngũ của hãng viễn thông VinaPhone.
Không khí làm việc tại VinaPhone vẫn diễn ra rất bình thường, không có quá nhiều xáo trộn trước thông tin liên quan tới việc sáp nhập 2 nhà mạng. |
Khi chúng tôi tới văn phòng giao dịch của VinaPhone trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), không khí làm việc tại đây không có gì khác so với ngày thường. Chị nhân viên có vẻ không hào hứng lắm khi có khách hàng hỏi về vụ sáp nhập VinaPhone và MobiFone. Với chị, việc hợp nhất này giống như đó là chuyện “xưa rồi diễm ơi” hay “khổ lắm nói mãi” vậy!
Với bản thân chị và đồng nghiệp tại đây, việc VinaPhone có sáp nhập với MobiFone hay không điều đó không quan trọng, vì dù thế nào thì họ cũng không bị mất việc, đời sống và túi tiền của họ chắc chắn vẫn được đảm bảo. Hơn nữa, theo chị này “chuyện gì tới sẽ tới. Đó là việc của các ông lớn, mang tính vĩ mô quá, anh em chúng tôi có bàn bạc, nhất trí hay không nhất trí cũng không giải quyết được gì!”.
Người của MobiFone: “Tôi thích sáp nhập vì doanh thu sẽ cao hơn”
Điện thoại cho một người quen tên Nam làm việc trong mạng lưới của MobiFone trên địa bàn Thái Bình. Anh Nam nói: Là người thuộc mảng thị trường, anh thường xuyên đi nhiều nên cũng ít nghe bạn bè, đồng nghiệp bàn chuyện, tán gẫu.
Một số nhân viên của 2 mạng di động MobiFone và VinaPhone ủng hộ việc sáp nhập vì hi vọng doanh thu sẽ cao hơn. |
Tuy nhiên, đứng trên danh nghĩa cá nhân anh, anh Nam cho rằng: “Tôi thích sáp nhập hơn”. Lý do mà anh Nam có mong muốn sáp nhập thuận theo phương án của VNPT đó là: VinaPhone – MobiFone “2 in 1” sẽ mạnh hơn, tạo nên thế cạnh tranh hơn với “ông lớn” Viettel. Sau khi hợp nhất, doanh thu của 2 đơn vị viễn thông này sẽ cao hơn, phát triển dịch vụ tốt hơn và như vậy, đời sống anh em công nhân viên sẽ được cải thiện hơn.
Theo dự đoán của anh Nam, khả năng VNPT sẽ quyết tâm thực hiện tới cùng việc sáp nhập. Vì nếu cổ phần hóa, VNPT sẽ mất nửa doanh thu, nửa lợi nhuận, không đủ tiền để nuôi những đơn vị kinh doanh đang có nguy cơ lỗ. Hơn nữa, việc độc quyền trên thị trường Việt Nam không hiếm, từ trước tới nay, lĩnh vực xăng dầu hay thị trường điện vẫn luôn hiện diện thị phần lớn của EVN và Petrolimex. Vì vậy, có thêm một ông VNPT lớn mạnh nữa không phải là điều gì đó quá bất thường – theo ý kiến riêng của anh Nam.
Thêm vào đó, giả sử Vina-Mobi sáp nhập thành một, khách hàng của 2 mạng này sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất vì sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách, gói giá, giá cước (thoại + sms... ), khuyến mại, dịch vụ... của cả VinaPhone và MobiFone trước đây. “Hai ông nhập làm một thì khách hàng của 2 ông trở thành nội mạng, chắc chắn giá cước mới của VNPT sẽ giảm” – anh Nam nói.
Ngoài những câu chuyện ngoài lề, bên đường, trong cuộc trà đá hay bên chén rượu vui của những người trong ngành, hầu hết giới lãnh đạo của 2 nhà mạng VinaPhone và MobiFone đều tỏ ra khá kín tiếng với giới truyền thông. Với họ, đây có thể coi là một chuyện tế nhị và không nên phát ngôn với báo chí vào lúc này!
Theo Giáo dục