Một nhận định được nhiều đại biểu đồng tình là tập đoàn kinh tế của Việt Nam “rất đặc biệt” và “không giống các nước trên thế giới”. Các tập đoàn trên thế giới “lớn lên” từ những doanh nghiệp vài trăm đô la, qua năm tháng tích lũy uy tín và nguồn lực để trở thành tập đoàn. Còn các tập đoàn của ta được thành lập dựa trên các quyết định hành chính khi tái cơ cấu lại các tổng công ty nhà nước.
Nói như PGS-TS Trần Văn Tá, tập đoàn kinh tế ở Việt Nam được thành lập dựa trên ý chí chủ quan của Nhà nước chứ không phải từ sự bức thiết, cần thiết liên kết tự thân của nó.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói thêm: Một đằng là lấy tiền của người khác đi tiêu, một đằng là tiêu tiền của mình nên hiệu quả hoạt động rõ ràng không giống nhau.
Cũng như kiến nghị trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS-TS Trần Văn Tá cho rằng cần tạm dừng việc thành lập các tập đoàn theo như cách vừa qua.
Đồng tình, Chủ tịch Hội Kiểm toán Việt Nam, PGS-TS Đặng Văn Thanh đề xuất trước hết các cơ quan liên quan cần tiến hành các hoạt động giám sát, đánh giá và nhìn nhận một cách nghiêm túc, khách quan con đường và cách thức hình thành các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, trước hết là các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, để rút ra bài học và có sự điều chỉnh và quyết sách hợp lý.
“Con đường hình thành tập đoàn kinh tế phải là công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán” - ông Thanh khẳng định.
Việt Nam hiện có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thí điểm thành lập trong hầu hết các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Theo Phapluat