Tin liên quan
>> Lãi suất 'đè' tăng trưởng tín dụng
Đặc biệt, số liệu tăng trưởng tín dụng của nhóm các ngân hàng được xếp vào nhóm 1 (Vietcombank, BIDV, ACB, Techcombank, Eximbank, SHB …) hoặc nhóm 2 (DongAbank, Navibank, NamAbank,…) được trông chờ nhiều nhất bởi sự tăng trưởng của các ngân hàng nhóm này phần nào phản ánh mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống.
Mặc dù lãi suất đã hạ, nhưng không phải DN muốn vay là được. |
Vấn đề đang được quan tâm là liệu các con số được công bố chính thức sẽ như thế nào, khi mà có hàng loạt yếu tố dự báo tín dụng trong quý I/2012 khó đạt được.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 02 tháng đầu năm 2012 của nền kinh tế ở mức âm 2.51%. Như vậy, có thể hiểu rằng, trong 02 tháng qua, các doanh nghiệp rất khó khăn để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, sau quyết định hạ trần lãi suất xuống 1%, rất nhiều chuyên gia nhận định rằng lãi suất cho vay không thể giảm ngay, nếu có giảm chăng là sẽ giảm vào quý 2 hay kéo dài đến quý 3/2012. Bởi chính sách đưa ra cũng cần có một độ trễ nhất định để thực thi. Chỉ khi các ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn đã huy động với mức 14%/năm trước đó. Lúc đó lãi suất mới giảm.
Một số ngân hàng mặc dù có công bố gói cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng liệu họ có ưu đãi lãi suất đối với khách hàng vay mới hay chỉ là ưu đãi cho khách hàng thân thiết, có quan hệ lâu dài, thậm chí chỉ nhằm mục đích quảng bá. Như vậy, xét cho cùng nguồn vốn vay chỉ mới quanh quẩn cho các khách hàng cũ.
Cuối cùng, xét đến động thái của khách hàng gửi tiền. Khi lãi suất huy động giảm, người gửi tiền đắn đo lựa chọn cẩn trọng hơn giữa các kênh đầu tư. Họ suy xét xem với mức lạm phát và lãi suất ngân hàng thì nên gửi tiền vào ngân hàng hay chọn kênh khác.
Một tính toán đơn giản về mức lạm phát vẫn còn cao như hiện nay (lạm phát tháng 2/2012 so với cùng kỳ năm trước là 16,44%), việc gửi tiền vào ngân hàng mà đặc biệt là gửi kỳ hạn dài trở nên không chắn chắn, kỳ hạn gửi cực ngắn để thăm dò tình hình, nhằm rút ra kịp thời khi có cơ hội đầu tư khác hấp dẫn hơn.
Chính sự thay đổi liên tục trong chính sách tiền tệ đã tạo ra tâm lý này cho khách hàng, và khi đó làm hệ lụy đến khả năng huy động vốn của các ngân hàng. Khách hàng hiện nay chỉ gửi tiền ở kỳ hạn 1–3 tháng, trong khi thời hạn vay căn cứ vào vòng quay vốn lưu động của doanh nghiệp tối thiểu cũng phải 3 tháng, thông thường là 6 tháng, chưa kể các khoản vay trung dài hạn đầu từ nhà xưởng, máy móc thiết bị… phải từ 3–5 năm trở lên.
Điều này làm cho các ngân hàng luôn ở thế bị động trong huy động vốn, dẫn đến nguồn vốn cho vay cũng phải dè chừng.
Chúng ta chờ xem thông tin được công bố trong quý 1 sẽ như thế nào. Liệu rằng kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2012 có lặp lại giống như năm 2011 – mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% nhưng cuối cùng đạt được chỉ 13% và đã có gần 80.000 doanh nghiệp ‘‘khai tử’’ – hay không? Và, các ngân hàng được xếp vào nhóm 1 hoặc 2 có phát đi được tín hiệu tích cực ra thị trường hay không?
MS