Mức lãi suất cao nhất cho tiền gửi kỳ hạn ngày được nhiều ngân hàng áp dụng là 5% một năm- cao nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 1 tháng.
Tại ngân hàng Nam Việt, lãi suất ngày với tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên là 5% một năm, dưới 100 triệu đồng là 3,6% một năm. Trước đó, trong năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần dưới 1 tháng là 6% một năm, Nam Việt cũng áp dụng mức tối đa với 100 triệu đồng trở lên gửi trong 1 ngày.
Nhiều ngân hàng đang thu hút vốn gửi từ dân cư bằng lãi suất theo ngày. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
HDBank cũng áp dụng lãi suất theo ngày đối với tiền gửi tiết kiệm với mức lãi là 5% một năm, áp dụng cho khoản tiền từ 500.000 đồng trở lên. Nhân viên ngân hàng này tại Hà Nội thông tin, gói gửi ngày chỉ phù hợp với các khách hàng có vốn nhàn rỗi ngắn hạn hoặc những người lo sợ lãi suất sẽ điều chỉnh trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, nhân viên này cho biết, gửi theo tháng sẽ có lợi hơn nhiều. Chẳng hạn, với số tiền là 50 triệu đồng gửi trong 1 tháng, lãi suất 13% một năm, đáo hạn sổ, số lãi người gửi tiền nhận được khoảng 560.000 đồng. Trong khi đó, gửi theo ngày với lãi suất 5%, gửi 1 ngày rồi lại rút và gửi tiếp, số tiền lãi nhận được cho ngày gửi đầu tiên khoảng 7.000 đồng. Tính theo công thức lãi nhập gốc với thời gian gửi là 30 ngày, số lãi khách hàng nhận được vẫn thấp hơn so với gửi theo tháng.
Hôm 13/3, Ngân hàng Phương Nam công bố bảng lãi suất tiền gửi VND áp dụng với kỳ hạn 1, 2 và 3 tuần có hiệu lực từ 13/3, tính lãi cuối kỳ theo mức cũ là 6% một năm, cao hơn 1% so với quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng này tại Hà Nội xác nhận, hiện nay, các phòng giao dịch nhận tiền gửi của khách hàng với lãi suất chỉ 5% một năm cao nhất, 6% là số liệu cũ. Cũng nhận gửi theo ngày, song chị này thông tin chỉ áp dụng với kỳ hạn từ 3 ngày trở lên, dưới 3 ngày khách không được nhận lãi.
Một số ngân hàng quy mô lớn hơn cũng đang triển khai huy động vốn theo ngày. Eximbank ấn định lãi suất 1 và 2 ngày 4,95% một năm. Tại ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, lãi suất một đêm áp dụng từ 20/3 là 4,5% một năm.
Trước đó, hồi tháng 9/2011, khi trần lãi suất mới chỉ quy định đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng trở lên, một số ngân hàng lách luật bằng cách áp dụng lãi suất theo ngày cũng 14% một năm. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 30, quy định rõ trần lãi suất tối đa là 14% đối với kỳ hạn 1 tháng trở lên, 6% một năm đối với khoản tiền gửi dưới 1 tháng. Ngay sau đó, các nhà băng chấm dứt lãi suất theo ngày và "xúi" khách hàng tiếp tục gửi theo tháng, để hưởng lãi cao.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội nhận định, việc áp dụng lãi suất ngày đối với tiền gửi bằng VND là điều bình thường. "Hành vi này không vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước, vì trần lãi suất vẫn được các ngân hàng tuân thủ. Đây cũng chỉ là cách để các ngân hàng gia tăng các dịch vụ, thu hút khách hàng", ông chia sẻ.
Còn theo đại diện HDBank, việc áp dụng lãi suất tiền gửi theo ngày là cách giữ chân khách hàng và làm cho sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đa dạng hơn. Về nhận định cho rằng, các ngân hàng huy động vốn theo ngày để cải thiện thanh khoản "có vấn đề", ông cho rằng không đúng. Nguyên nhân, đúng như lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố, gần đây, thanh khoản đang dịu lại, không đến mức căng để các đơn vị phải ganh nhau hút vốn trên thị trường.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm nhận định, ấn định lãi suất theo ngày là cách để ngân hàng thu hút được nguồn tiền gửi nhàn rỗi từ dân cư. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng, hiện nay, huy động vốn dài hạn khó khăn, nên các ngân hàng tranh thủ gom vốn ngắn hạn. "Nếu tôi có tiền nhàn rỗi muốn gửi lấy lãi thì sẽ gửi theo ngày. Còn nếu để gửi như một khoản tiết kiệm, tích trữ, thì tôi sẽ chọn kỳ hạn tháng", ông Kiêm chia sẻ.
Theo vinacorp