Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/6/2012, đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương trình phương án về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân để tạo nguồn cho quỹ.
Dự kiến, người sở hữu xe ôtô có thể sẽ phải đóng đến hơn 60 triệu đồng/năm gồm các loại phí. Người dân có có sẵn sàng nộp phí hay sẽ chuyển sang phương tiện vận chuyển khác? Mức phí trên có hợp lý hay không? Việt Nam nên làm cách nào để vừa hạn chế sự gia tăng của các phương tiện cá nhân, giảm tắc đường, vừa có nguồn kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông?
Độc giả Diễn đàn kinh tế Việt Nam có phản ứng mạnh mẽ trước Nghị định mới này.
Trăm dâu đổ đầu tằm
Trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam, một số độc giả cho rằng, dùng thì phải trả phí, trong tình hình giao thông Việt Nam như hiện nay, việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô là cần thiết.
Độc giả Trinhquocdung1960 cho rằng, "Ôtô là phương tiện đi lại hiện đại và là xu thế chung của thế giới văn minh. Nhưng đáng tiếc ở Việt Nam hiện nay lại không thích hợp. Đường xá thì xập xệ, ý thức người dân tuân thủ luật lệ giao thông chưa tốt, hệ thống luật pháp đã thiếu việc thực thi lại chưa nghiêm do vậy tôt hơn hết là ... chưa nên dùng ôtô"
"Đã quy định về mức thu phí đối với xe ô tô thì không phân biệt bất cứ loại xe nào, đã tham gia lưu thông trên đường là phải nộp phí như nhau. Trừ xe của các vị nguyên thủ quốc gia, còn tất cả các xe khác nhất thiết nộp phí bình đẳng như các phương tiện khác. Như vậy mới đánh giá được hiệu quả của quy định.", độc giả Tuynguyenthe khẳng định.
Chia sẻ ý kiến đó, độc giả Nguyễn Quang viết, "Ở Việt Nam, đa số đại gia mới có điều kiện sắm ô tô, trong khi cơ sở hạ tầng còn thấp kém, ô tô đã gây tắc nghẽn giao thông. Thiết nghĩ, nên yêu cầu những chủ xe phải đóng góp kinh phí giao thông cho xã hội nhiều hơn nữa mới phải".
Tuy thu phí bảo trì đường bộ là đúng song cần thu mức nào để người dân thấy đây là trách nhiệm và nghĩa vụ phải đóng góp xây dựng thêm cho đường bộ là ý kiến của đại đa số độc giả.
Thực tế, không phải mọi người mua ô tô đều giàu, nhiều người nỗ lực tích góp mua ô tô vì nhu cầu gia đình, nâng cao đời sống. |
"Cần xác định nguồn kinh phí này là thu lâu dài hỗ trợ ngân sách để mở rộng giao thông bởi người dân cũng đã nộp nhiều thứ thuế cũng để xây dựng đất nước nói chung.", độc giả Xuân Mẫn góp ý.
Thực tế, không phải ai đi ô tô riêng cũng là nhiều tiền. Có rất nhiều người mua xe để làm ăn, là phương tiện phục vụ công tác nói chung cho hiệu quả trong đó có cả việc phục vụ nhiệm vụ của nhà nước. Việc thu phí phải xem xét mức thu cho công bằng. Số tiền đóng phải tỷ lệ với tác động của xe làm hư hỏng đường. Chưa kể khi mua ô tô phục vụ việc kinh doanh, nhiều người phải vay ngân hàng đến 2/3 giá trị xe.
"Việc mua ô tô để kinh doanh, kiếm tiền nuôi gia đình, hoặc phục vụ nhu cầu, hoàn cảnh của gia đình, đã thật là vất vả, bây giờ lại phải bóp hầu miệng, bớt sữa của con để đóng phí sao...?", độc giả Chien chua chát dãi bày.
Khi thu phí giao thông, tăng giá xăng dầu, các nhà quản lý Việt Nam hay so sánh với các nước phương Tây, nhưng quên so sánh mức thu nhập của người dân Việt nam với người dân các nước phương Tây. Giá một chiếc ô tô ở VN với giá một chiêc ô tô ở các nước đó đã quá chênh lệch.
Hiện nay, trong số những người đi ô tô có một bộ phận rất nhiều những người dân có nguồn thu nhập chính đáng và họ dành dụm tiết kiệm mua ô tô, (có thể chỉ là một chiếc xe cũ hoặc một chiếc xe không quá nhiều tiền) để nâng cao đời sống bản thân và gia đình chứ không phải là những người có quá nhiều tiền để chịu được gánh nặng của chi phí quá cao.
"Việc đóng phí là cần thiết nhưng cần phải xây dựng mức phí dựa vào thu nhập bình quân của người dân chứ không nên tham chiếu mức phí của nước nọ nước kia làm căn cứ."
Cần sòng phẳng và công bằng với dân
Tuy nhiên, đại đa số độc giả có chung một ý kiến, nếu thu phí cao có thể hạn chế được ô tô xe máy trong điều kiện giao thông hiện nay, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông đô thị thì là việc nên làm nhưng thu bao nhiêu, đối tượng nào, thực thi ra sao để đảm bảo sòng phẳng công bằng với dân mới là việc khó khăn và quan trọng nhất.
Huỳnh Vũ Bình nêu quan điểm "Tôi không phản đối việc thu phí, nhưng nhà nước phải sòng phẳng và công bằng với dân. Chất lượng đường xá, cơ sở hạ tầng tồi tệ như hiện nay mà thu phí cao như thế là vô lý..."
Thu phí duy trì hạ tầng giao thông vận tải là việc nên làm nhưng phải công khai rõ ràng, tránh cực đoan như đề xuất thu phí lưu hành của bộ GT VT. 8 loại phí thuế hiện thu của xe ô tô đang được sử dụng làm gì, hạch toán xem đã hết chưa? Thực tế, bản chất vấn đề nhìn theo góc độ tài chính, người đi đường đang mua dịch vụ về hạ tầng giao thông, nên cần được yêu cầu về dịch vụ.
"Phí cao có thể giảm một phần ùn tắc, nhưng như vậy thì đời sống người dân đến bao giờ mới được nâng cao? Với cung cách quy hoạch thành phố và khả năng cải tạo hạ tầng giao thông như hiện nay thì đến bao nhiêu năm nữa mới hết tắc đường để không phải áp dụng chính sách tăng phí nhằm giải quyết nạn tắc đường?", độc giả Hathanh Quan đặt câu hỏi.
Ai dám đảm bảo phí giao thông cá nhân cao sẽ nâng cao chất lượng giao thông? |
Chia sẻ quan điểm đó, độc giả Minh Hoàng nhận định, thật dễ hiểu khi người dân sốc và phản đối với nghị định mới. Từ đang chẳng phải nộp đồng nào, tự dưng phải nộp 60 triệu/năm. Nên đóng phí dựa trên số km lăn bánh của ô tô và việc ô tô đó chạy ở đâu (cần đóng phí cao hơn ở thành phố lớn để tăng sử dụng phương tiện công cộng). Như vậy cũng hạn chế xe lăn bánh. "Dùng gì thì phải trả phí cho việc đó. Làm như thế có vẻ khó cho người thu, nhưng như thế mới là công bằng.".
Đại đa số người dân cho rằng, mức phí 60 triêu/năm không hợp lý và quá cao, nó bằng thu nhập tiền lương trung bình một năm của người lao động. Việt Nam là một nước đang phát triển, thu nhập của người dân chưa cao, vấn đề dịch vụ vận tải hành khách ở Việt Nam không bài bản, hệ thống vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân ở khắp mọi nơi. Việc đầu tư mua sắm phương tiện cá nhân là cần thiết vì nó phục vụ nhu cầu cần thiết cho người dân. Bên cạnh người có tiền mua xe hơi, nhiều người cũng tiết kiệm,dành dụm để mua xe phục vụ nhu cầu đi lại chứ không phải thừa tiền mới mua xe.
Thực tế, bên cạnh những siêu xe triệu USD, ngàn USD, chỉ có những chiếc ô tô vài trục, 100 triệu, có xe máy chỉ đáng giá 1.500.000VND làm "cần câu cơm" hằng ngày của dân lạo động, nhưng họ lại đóng các loại phí như hiện nay thì thật là gây khó khăn cho cả người nghèo.
Đồng ý là sẽ thu phí, song cần phải có lộ trình, có mức thu hợp lý chứ ko phải cứ đè cổ người dân ra chịu các mức phí quá cao như đề xuất. Chính phủ nên nghĩ về việc trưng cầu dân lấy ý kiến về phương thức thu và cách thu. "Cần phân loại đối tượng sử dụng xăng dầu, có chứng chỉ và quản lý chặt sau đó tổ chức thu phí trong xăng, dầu là chính xác nhất."
Nhiều độc giả thống nhất quan điểm, cần làm dần dần, thu từ mức thấp cho đến khi nào chất lượng đường xá, cơ sở hạ tầng được nâng lên thì mới nâng mức phí lên được. Về lâu dài mà nói, để giảm ùn tắc phải có chiến lược lâu dài chứ không "chạy vòng quanh". Để nâng cao chất lượng giao thông, giải pháp hữu hiệu hơn cả là chuyển cơ quan hành chính nhà nước, trường đại học.... ra ngoại thành thì. Khi đó, lượng người trong đô thị giảm dần, lượng xe vào thành phố cũng giảm dần.
"Hoạch định chính sách thu thuế kiểu"bóc ngắn căn dài", đôi khi sẽ cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, không phù hợp với tình hình chung.", một độc giả tên Minh thẳng thắn nêu ý kiến. Nhà quản lý cần bắt kịp thời cuộc. Nếu chính sách này có từ những năm 2000 thì chắc sẽ không có mấy xe ô tô cá nhân. Mặt khác, quyền lợi cá nhân của người tham gia giao thông cũng không được nhà nước bảo vệ, bởi hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được. Chính sách nào cũng cần đảm bảo đúng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng."
Theo VEF