Bất động sản vẫn khốn đốn dù lãi suất giảm

Thứ ba, 20/03/2012, 17:39
Mặc dù các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động xuống mức trần 13%, song theo nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản, biện pháp này không có nhiều tác dụng để ngân hàng chịu mở hầu bao cho DN vay vốn khi mà thị trường vẫn đầy rủi ro.

 

Nhiều ngân hàng chịu mở "hầu bao" cho vay mua nhà

Mới đây, Ngân hàng HSBC đã thông báo giảm đáng kể lãi suất các khoản vay dành cho khách hàng cá nhân gồm: vay mua nhà để ở, vay thế chấp và vay mua xe…Và trong đầu tuần này, HSBC chính thức áp dụng mức lãi suất ưu đãi giảm 2%/năm so với mức thông thường. Mức lãi suất dài hạn tốt nhất dành cho khách hàng cá nhân vay thế chấp là 18,9%/năm. Riêng đối với khách hàng lần đầu vay thế chấp, HSBC có sự ưu đãi hơn với mức lãi suất cho vay thỏa thuận là 15,9%/năm.

Ngân hàng ANZ Việt Nam cũng vừa có chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay mua nhà, vay thế chấp nhà dành cho tất cả khách hàng nộp hồ sơ vay mới từ nay đến hết ngày 31/5 và giải ngân trước 30/6.

Tương tự, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa đưa ra hạn mức cho vay lên đến 7.000 tỉ đồng với lãi suất thấp cho khách hàng cá nhân. Ngân hàng này cũng đã giảm lãi suất cho vay trung bình đến 1,5%/năm so với lãi suất đang áp dụng từ đầu năm 2012, chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa và vay mua nhà để ở của khách hàng cá nhân.

Rõ ràng, việc ngân hàng nới lỏng tín dụng cho các khách hàng cũng là cơ hội gián tiếp giúp các doanh nghiệp BĐS có thể thu hút vốn trong thời điểm khan hiếm như hiện nay. Tuy nhiên, điều này có trở thành hiện thực hay không lại là vấn đề khác.

Chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào vẫn cao

Có một thực tế là mặc dù lãi suất huy động tiếp tục giảm song theo ý kiến của một số DN thì điều này không có nhiều ý nghĩa đối với việc huy động được vốn.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT của Vinaland phân tích: Mặc dù nhà nước nói giảm lãi suất cho vay nhưng trên thực tế lại chưa giảm và rất khó vay. Chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra đến 6,7% cũng là rất cao. Điều đáng nói, là mặc dù vậy nhưng tại sao ngân hàng không dám cho vay? Đó là vì rủi ro quá lớn về thanh khoản, về nợ xấu.

Và vì sao rủi ro ấy xảy ra? Đó là vì thị trường BĐS đóng băng, tài sản thế chấp bị sụt giảm giá, không có khả năng thanh khoản. Do đó, nếu mình giải quyết được bài toán thanh khoản của thị trường BĐS, có mua, có bán thì lãi suất sẽ giảm xuống và DN có cơ hội được vay vốn.

“Lúc ấy, khách hàng nếu nhận thấy rủi ro thấp cũng mới quyết định đổ tiền vào chứ bây giờ họ cũng rất thận trọng” – ông Hoàng khẳng định.

Đồng tình với lãnh đạo Vinaland, ông Đào Quang Tuấn, Chủ tịch hiệp hội BĐS Đà Nẵng cũng khẳng định chưa thấy tác động gì từ việc giảm lãi suất. Kể cả từ lúc giảm lãi suất huy động xuống 14% và tiếp tục là 13% nhưng việc cho DN vay thì chưa có chuyển biến. “Có lẽ phải chờ một thời gian” – ông Tuấn nói.

Trước thực tế hiện nay, một số chuyên gia cũng nhận định rằng dù lãi suất có tiếp tục giảm mạnh hơn nữa cũng khó đẩy được lượng cầu bởi tâm lý của những người có nhu cầu thực luôn ngóng sự giảm giá thêm cũng như sợ gặp rủi ro.

Chính vì vậy, theo ý kiến của DN, để giải quyết bài toán tâm lý này, nhà nước nên giãn nợ cho DN các khoản nợ gốc, có thể là trong thời hạn 1 năm.

“Cứ hình dung giờ phía ngân hàng cũng lo để đảo nợ cho DN. DN cũng chỉ chăm chăm lo đến hạn trả nợ. Nếu bây giờ mình giãn nợ cho DN 1 năm thì khỏi phải đảo nợ, và như vậy ngân hàng cũng nhẹ đi và thị trường lúc ấy có thể nhích dần.” – ông Hoàng giải thích.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích