Ủy ban châu Âu (EC) dự định sẽ mở rộng phạm vị áp dụng các quy định lên cả lĩnh vực “ngân hàng trong bóng tối" (shadow banking), báo trước khả năng kiểm soát đối với một khu vực kinh tế màu mỡ, trị giá lên tới 46 nghìn tỷ euro (61 nghìn tỷ USD) nhưng cũng bị cáo buộc là hệ thống châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng tài chính.
Các nhà điều hành của EU trong ngày 19/3 đã có một hội thảo tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trong ngành nhằm soạn thảo một bộ luật kiểm soát hoạt động của “shadow banking” , một thuật ngữ mô tả các hoạt động trung gian tín dụng tương tự như ngân hàng, nhưng được thực hiện tại các định chế tài chính nằm ngoài sự giám sát nhà nước đối với các ngân hàng thương mại thông thường.
Ông Michel Barnier, một quan chức EU phụ trách việc cải cách luật pháp cho biết: "Những gì chúng tôi không muốn thấy là việc các tổ chức tài chính né tránh các quy định hiện hành cũng như sắp được ban hành, khiến các nguy cơ rủi ro tích tụ dần trong lĩnh vực tài chính. Đó là lý do tại sao chúng ta cần hiểu rõ hơn về “shadow banking" là gì, hoạt động như thế nào, và những quy định cũng như giám sát nào là cần thiết”.
Các nhà lãnh đạo các nước đều ý thức được nguy cơ tiềm ẩn từ hoạt động của “shadow banking” và vì vậy, nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 đã yêu cầu Ủy ban Ổn định Tài chính của nhóm đưa ra những kế hoạch để kiểm soát lĩnh vực này.
Chủ tịch của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Anh, Adair Turner, đã kêu gọi một kế hoạch triệt để nhằm điều tiết hoạt động “shadow banking”, đồng thời cảnh báo rằng hệ thống phức tạp này không dễ để các nhà làm luật có thể hiểu được.
Các quỹ đầu cơ và quỹ đầu tư tư nhân là những ví dụ điển hình của “shadow banking”. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng có thể dùng cho các quỹ đầu tư và thậm chí là các doanh nghiệp sản xuất với một lượng tiền dồi dào mà có thể dùng cho các ngân hàng thương mại vay trái phiếu chính phủ hoặc sử dụng trái phiếu để bảo đảm cho các khoản vay tại Ngân hàng trung tương châu Âu (ECB).
Shadow banking còn dùng để chỉ các các bộ phận tại nước ngoài của các ngân hàng thương mại thành lập để tăng đòn bẩy tài chính hay các quỹ thị trường tiền tệ mà cũng nhận tiền gửi từ các doanh nghiệp.
Lĩnh vực này tuy hoạt động bên lề các hệ thống ngân hàng thương mại chính thống nhưng đã gấp đôi quy mô trong một thập kỷ qua. Tính tới năm 2010, “shadow banking” đã chiếm tới hơn 1/4 toàn bộ hệ thống tài chính và tương đương 1/2 tổng giá trị tài sản của tất cả các ngân hàng .
Nhiều người lo ngại rằng, cùng với sự đóng cửa của nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại, các hoạt động tài chính sẽ chuyển dần sang hệ thống “shadow banking”, thổi phồng bong bóng tài chính mà rất có thể sẽ vỡ trong tương lai.
Vì vậy, một số bộ phận của "shadow banking", chẳng hạn như các quỹ đầu cơ, đã được luật điều chỉnh ở châu Âu.
Theo vinacorp