Hai tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán 200.000 tấn gạo trong khi cả năm 2011 chỉ ký được 258.000 tấn ở thị trường này. Ngoài ra, lượng gạo xuất đường tiểu ngạch sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay ước tính cũng khoảng 300.000 tấn” - ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho hay hằng ngày tại mỗi cảng lớn thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp… cũng có chừng 15-20 tàu chờ chực để mua gạo. Tính ra mỗi ngày có khoảng 10.000 tấn gạo ở ĐBSCL được chở ra Bắc để xuất sang Trung Quốc. Đầu năm nay, doanh nghiệp này đang bán gạo thơm sang Hong Kong với giá 600-700 USD/tấn, cao gần gấp đôi so với gạo cấp thấp (15%-25% tấm). Đó là lý do mà doanh nghiệp săn lùng lúa thơm (jasmine, VD20…) với giá mua vào trên 7.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng so với lúa thường. Hiện tại nhiều doanh nghiệp ở miền Bắc cũng vào ĐBSCL thu mua gạo rồi chở bằng tàu ra cảng Hải Phòng, sau đó cho xe xuất qua biên giới Trung Quốc với số lượng mỗi ngày cả chục ngàn tấn.
Theo ông Tuấn, gạo nước ta xuất sang được Trung Quốc là nhờ có sự cạnh tranh về giá. Giá sàn xuất khẩu gạo đã giảm xuống chạm đáy của thế giới, giá gạo cấp trung bình còn rẻ hơn gạo Ấn Độ, Pakistan. Ngoài ra, nước ta còn có lợi thế lớn về vị trí địa lý, có thể vận chuyển qua biên giới Trung Quốc bằng đường bộ, đường biển nhanh nhất. Tuy nhiên, điểm hạn chế là Trung Quốc hiện chỉ mua dòng gạo cấp cao 5% tấm và gạo thơm chứ chưa mua gạo cấp thấp.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết ngay trong tháng 3 này, VFA sẽ chính thức thành lập trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cấp cao sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường lớn với hơn 1 tỉ dân và đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, nhu cầu gạo cấp cao rất lớn. Nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ trở thành nhà cung cấp gạo thay thế Thái Lan, Ấn Độ hay Mỹ tại thị trường Trung Quốc.
Theo PLTPHCM