Tâm điểm của thị trường mở tuần qua chính là việc Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu hút vốn về. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn 28, 91, 182 và 364 ngày để hút về 5.139 tỷ đồng.
Theo lý giải của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, hiện vốn khả dụng của ngân hàng thương mại đang rất tốt, nên Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút tiền về nhằm điều hòa dòng vốn.
Điều này cho thấy thanh khoản của nhiều ngân hàng đang rất tốt, ngược hẳn với diễn biến trước kia khi Ngân hàng Nhà nước liên tục phải bơm vốn qua OMO để hỗ trợ thanh khoản cho nhiều ngân hàng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn thì thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng sẽ được hút bớt. Và cho dù chưa thể biết lãi suất liên ngân hàng có bị ảnh hưởng hay không thì trong ngắn hạn, điều này sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
“Mức độ biến động của thị trường từ giờ trở đi sẽ nhẹ hơn so với trong tháng 2 do tốc độ hạ nhiệt của lạm phát sẽ chậm hơn cộng với chủ trương của các cơ quan quản lý là kiểm soát thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý ngay cả khi lãi suất hạ”, báo cáo của HSC viết.
Thông điệp ở đây là lãi suất giảm với mục đích chính là hỗ trợ hoạt động cho vay doanh nghiệp và do đó nếu nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp không tăng trong khoảng thời gian vài tháng thì cơ quan quản lý sẽ tìm cách điều tiết thanh khoản (dư thừa) để ngăn bong bóng chứng khoán và bất động sản hình thành.
“Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hút bớt thanh khoản dư thừa về. Và vì vậy, theo chúng tôi, tốc độ tăng của thị trường chứng khoán sẽ chậm hơn so với tháng trước”, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành - phụ trách Nghiên cứu của HSC, cho hay.
Theo NDHMoney