Ngân hàng "ma" và “tài sản độc hại”

Thứ hai, 19/03/2012, 08:59
Nhóm và loại tài sản độc hại – rắc rối có trong hệ thống ngân hàng nhưng tự nó chưa lớn đến mức tạo ra một cuộc khủng hoảng làm tê liệt nền kinh tế nhưng rất khó thống kê chính xác.



 

Những ngân hàng thây ma biết đi – Zombie Banks

Giáo sư kinh tế người Mỹ, Paul Krugman – nhận giải thưởng Nobel năm 2008, đã nêu những nhận định trên trong một bài viết của ông vào ngày 23.2.2009 trên báo New York Times. Bài báo này ông tranh luận nhưng vẫn đồng ý với ông Alan Greenspan, cựu thống đốc ngân hàng Trung ương Mỹ, về việc tạm thời quốc hữu hoá một số ngân hàng để tạo thuận lợi cho việc tái cấu trúc được nhanh chóng và trật tự hơn. Khái niệm mà giáo sư Krugman nêu ra để cho rằng một số ngân hàng cần phải được quốc hữu hoá là “Zombie Banks” (tạm dịch những ngân hàng xác chết biết đi – ngân hàng thây ma biết đi...), điều mà trong môi trường hoạt động ngân hàng tại Việt Nam chúng ta ít khi nghe hoặc nếu có thì cũng chưa được chấp nhận rộng rãi.

Thế nào là ngân hàng thây ma – xác chết? Ngắn gọn: (i) Ngân hàng zombie A nào đó có giá trị ròng nhỏ hơn zero, (ii) hoặc ngân hàng zombie B nào đó mà tổng tài sản nợ lớn hơn tổng tài sản, (iii) hoặc ngân hàng zombie C nào đó mà tất cả vốn góp – vốn đăng ký không còn nữa nhưng vẫn được (chính phủ hỗ trợ) cho phép hoạt động.

Những ngân hàng zombie trên bề ngoài của nó không khác gì những ngân hàng bình thường khác nhưng với những thanh tra uy tín của các cơ quan chế tài hoặc chuyên gia phân tích độc lập lão luyện thì không quá khó để biết những tính chất và nội dung zombie được che giấu. Có hai nhóm ngân hàng zombie: (i) ngân hàng zombie chưa bị lộ – tài sản nợ xấu – nợ bẩn và những khoản thua lỗ được che giấu bằng sổ sách giả cùng những thủ thuật kế toán – kiểm toán và tiếp tục hoạt động kinh doanh với nhiều hình thức gian lận và một trong các hình thức thông dụng nhất là Ponzi; và (ii) ngân hàng zombie đã bị lộ – khi tình thế vượt qua mức không còn che đậy được hoặc một vài khách hàng tự khám phá và ngưng giao dịch rồi chính phủ phải can thiệp nhưng vẫn cho phép hoạt động với những giới hạn. Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers là một ngân hàng zombie hàng đầu của những ngân hàng zombie khác tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Ngân hàng zombie có về Việt Nam không?

Cho đến nay, sau khi đề án 254 đã được phê duyệt hai tuần, danh tính các ngân hàng được xếp nhóm 3 – hoạt động dưới mức trung bình và nhóm 4 – hoạt động yếu kém chưa được công bố chính thức rộng rãi. Nhưng, với những người quan tâm hoặc am hiểu trong ngành, chỉ với tính loại suy đơn giản qua công bố của các ngân hàng nhóm 1 và 2, cũng biết được ngân hàng nào thuộc hai nhóm đưới mức trung bình và yếu kém này.

Động thái phân nhóm của ngân hàng Nhà nước vừa qua là một cách rất tinh tế để chỉ điểm những ngân hàng zombie và có nguy cơ biến thành ngân hàng zombie trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Động thái này là một thay đổi lớn và tích cực của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước, mặc dù đã trễ.

Tài sản độc hại – tài sản rắc rối

Để (được) trở thành ngân hàng zombie, việc trước tiên là những nghiệp chủ, một nhóm hay ban điều hành của ngân hàng đó không có hoặc đánh mất vai trò chuyên nghiệp đặc biệt và nhất là cái tâm thế tử tế, đàng hoàng tối thiểu. Kế tiếp, họ cấu kết để đưa – rước những tài sản độc hại hoặc rắc rối (toxit assets – trouble assets) vào trong hệ thống các bản báo cáo tài chính của ngân hàng. Đưa nhóm tài sản độc hại vào ngân hàng là cấy mầm cho sự biến dạng tế bào thành những khối u ác tính và lan tràn tàn phá những nhóm tài sản lành mạnh khác.

Nay đã quá rõ ràng. Tài sản độc hại – rắc rối của nhóm ngân hàng zombie tại Mỹ và những nền kinh tế khác tại Âu châu đều có nguồn gốc trực tiếp và gián tiếp đến bất động sản.

Bất động sản – lãnh vực nhà ở – nguồn vốn và tín dụng nhà ở tự nó không có tính chất gì độc hại – rắc rối. Nó chỉ biến tướng và trở thành độc hại – rắc rối khi những nhóm lợi ích gian lận bên ngoài được cấu kết – dàn dựng với những nhóm lợi ích bên trong ngân hàng để chiếm đoạt và thoả mãn lòng tham kiêu ngạo lẫn lòng tham vô độ.

Việt Nam thì sao?

Nhóm và loại tài sản độc hại – rắc rối này có trong hệ thống ngân hàng Việt Nam không? Hẳn nhiên là có nhưng tự nó chưa lớn đến mức tạo ra một cuộc khủng hoảng làm tê liệt nền kinh tế. Rất khó thống kê chính xác, vì cách tính và chuẩn kế toán rất riêng của Việt Nam, với số tài sản độc hại – rắc rối nằm rải rác trong hệ thống ngân hàng và nhất là trong các ngân hàng nhóm 3 và 4 hiện nay. Tuy nhiên, dễ đồng thuận rằng chúng góp phần không nhỏ vào tình hình lạm phát hiện nay.

Bên cạnh các công ty tư nhân và một bộ phận người đầu cơ trong xã hội lao sâu vào những cơn sóng bất động sản từ năm 2005 – 2009 thì hầu hết các tập đoàn, các tổng công ty, công ty nhà nước cũng lao vào, và thậm chí làm vai trò dẫn dắt những dự án hút những lượng vốn lớn trong hệ thống ngân hàng nhưng không thích ứng với nhu cầu thật và lớn của xã hội.

Lối thoát nào?

Những ngân hàng zombie sẽ tạo và sinh ra hàng trăm hàng ngàn công ty zombie và nhóm công ty zombie này đang ôm một lượng lớn các dự án zombie – những khu đô thị, những khu biệt thự, những cao ốc nhà ở văn phòng bỏ hoang và không có thị trường người mua – mua thật ở thật. Đó là mối nguy hại rất thật vì nó đã làm méo mó thị trường vốn, thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán… và nếu vẫn còn kéo dài thêm năm 2012 thì hệ quả kinh tế sẽ rất lớn và khó lường được.

Như nhà báo tài chính Yalman Onaran đã viết trong cuốn sách Zombie Banks xuất bản tháng 11.2011: “Những ngân hàng zombie này không ăn thịt người, nó chỉ ăn tiền… Vấn đề đáng lo sợ nguồn tiền những ngân hàng zombie này ăn chính là từ nguồn tiền của người đóng thuế và đấy mới là mối nguy hại cho xã hội…”

Đề án 254 và động thái khoanh vùng các ngân hàng zombie của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước hiện nay là bước đi đầu tiên và đúng hướng. Bước đúng kế tiếp là “đau một lần” và phải trả giá bằng tiền thuế của người dân cần cù và các doanh nghiệp lương thiện nhằm giải quyết những khối u ác tính đã được xác định và còn nhỏ. Một chu kỳ thay đổi chiều sâu của hệ thống ngân hàng và sự sống còn, lớn mạnh của từng ngân hàng đang trải ra phía trước.

Đừng trễ nữa vì hệ quả kinh tế và bất ổn xã hội sẽ là cấp số nhân chứ không còn ở cấp số cộng.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn