Dại gì hối lộ trên bàn làm việc!

Chủ nhật, 18/03/2012, 10:27
Để tránh tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ, Công an Đà Nẵng đang chuẩn bị triển khai lắp đặt hệ thống camera tại các trạm xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Luật gia Lê Văn Khải cho rằng, camera chỉ là công cụ chứ không thể là liều thuốc đặc trị phòng chống tham nhũng.

 

Luật gia Lê Văn Khải.
 

Không phải là thuốc đặc trị
 
Công an Đà Nẵng đang chuẩn bị lắp đặt camera để giám sát cảnh sát giao thông (CSGT) trong quá trình làm nhiệm vụ. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

Cá nhân tôi cho rằng, đây là tín hiệu tích cực trong việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây không phải là liều thuốc đặc trị mà cần được tiến hành đồng bộ với nhiều giải pháp khác.

 

Nghĩa là việc lắp đặt camera giám sát là cần thiết?

Đúng vậy.

Vậy theo ông, có nên nhân rộng việc lắp đặt camera này ra các lĩnh vực khác để hạn chế tiêu cực?

Theo tôi, cái cần nhân rộng là tính tự công khai, minh bạch hoạt động của các cá nhân và các cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải nhân rộng việc lắp đặt camera. Camera chỉ là công cụ phục vụ cho việc tự công khai, minh bạch hoạt động của CSGT. Không thể rập khuôn, máy móc được. Nhưng tôi tin áp dụng với CSGT sẽ hiệu quả hơn.

Cơ sở nào để ông tin điều đó?   

Bởi vì khi có sự giám sát bằng camera và có bộ phận khác theo dõi màn hình thì người vi phạm Luật Giao thông có muốn trình bày nọ kia, anh CSGT có muốn thế này thế khác cũng không thể vì tất cả hình ảnh đó đã được ghi lại rồi.


Chẳng dại gì hối lộ ở công sở khi có camera
 
Còn đối với các lĩnh vực khác sao lại không hiệu quả bằng, thưa ông?

Ở nhiều lĩnh vực, quá trình giao dịch, tiếp xúc của công dân với các cơ quan thường kéo dài nên việc đưa và nhận hối lộ có thể xảy ra sau đó, bên ngoài cơ quan như nhà hàng, quán cà phê... chứ chẳng ai dại gì hối lộ trên bàn làm việc. Khi ấy camera có giám sát được không, bao nhiêu camera cho đủ? Rõ ràng trong trường hợp này, việc lắp đặt camera không những không hiệu quả mà còn gây nên lãng phí và sự không thoải mái cho người trong cuộc.

Nhưng điều đó cũng có thể xảy ra đối với CSGT chứ?

Chúng ta không thể loại trừ khả năng này. Tuy nhiên, có thể người vi phạm chỉ gặp anh CSGT một lần trong năm, thậm chí là trong đời. Thời gian từ khi xảy ra vi phạm đến khi anh CSGT áp dụng mức phạt thường là rất ngắn. Thế thì sẽ rất khó có chuyện người vi phạm gặp lại anh CSGT để đưa hối lộ.

Như ông vừa nói việc lắp đặt camera sẽ khiến người ta cảm thấy không thoải mái. Anh CSGT cũng có cảm giác đó chứ? Thêm nữa anh ta có muốn nhận hối lộ thì số tiền cũng không phải là lớn, trong khi nhiều người có chức có quyền lại có cơ hội nhận hối lộ nhiều hơn rất nhiều lần mà vẫn không bị đặt camera theo dõi. Liệu có vô lý?
 
Tôi không cho là như thế. Làm gì cũng phải tính đến đặc thù công việc và hiệu quả của việc giám sát đó mang lại. Người ta có thể không thoải mái khi suốt ngày camera ghi hình, nhưng việc ghi hình là cần thiết và có hiệu quả cho việc chứng minh sự đúng đắn và minh bạch của họ thì kể cả là gian khổ họ cũng vui vẻ chấp nhận.

Còn những trường hợp khác thì việc ghi hình sẽ không mang lại hiệu quả như tôi vừa phân tích. Cho nên, nếu chúng ta chỉ lo không công bằng mà áp dụng chung một giải pháp cho các đối tượng có đặc thù công việc khác nhau thì không thể đảm bảo hiệu quả được.


Phải nâng cao tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo

Không giám sát lãnh đạo bằng camera thì theo ông nên giám sát bằng cách nào?

Công cụ để Nhà nước quản lý xã hội hữu hiệu nhất là pháp luật, là hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học và phù hợp. Trong đó, phải nâng cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu và phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân.

Nâng cao tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo là thế nào, thưa ông?

Trước khi lên làm lãnh đạo, họ phải có lời hứa dưới hình thức là chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động... Họ sẽ làm được những việc gì, mức độ đến đâu khi đảm nhận cương vị đó? Để đảm bảo cho họ làm được điều mình đã hứa thì phải giao nguồn lực, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho họ, thậm chí cả việc lựa chọn cấp dưới.

Ông có chắc việc giao quyền tự chủ như vậy sẽ không có chuyện kéo bè kéo cánh? Vả lại người ta vẫn hứa đấy thôi?

Sẽ rất tai hại nếu không giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người lãnh đạo! Khi giao cho họ quyền này và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì dù có cùng bè, cùng cánh mà không đủ năng lực và trình độ giúp họ thực hiện lời hứa thì họ sẽ không dám đưa vào êkíp làm việc đâu. Thứ nữa, cần phải gắn lời hứa với trách nhịêm, ví như không thực hiện được sẽ phải từ chức thì tôi tin sẽ không còn chuyện "hứa đại".


Không thể đổ lỗi cho lương thấp
 
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, sở dĩ người ta phải nhận hối lộ vì đời sống khó khăn?

Cái đó cũng có một phần. Nhưng không thể đỗ lỗi cho nghèo, cho lương thấp mà biện bạch cho việc nhận hối lộ được. Thời chiến tranh, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, đồng cam cộng khổ, đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Gian khổ đấy nhưng có ai kêu ca đâu?

Nghĩa là, nếu có tăng lương của những người thi hành công vụ thì cũng khó có thể chống được tham nhũng?

Nâng lương như thế nào? Chẳng lẽ chỉ vì để anh CSGT không nhận hối lộ vì lương thấp mà nâng cho anh ta? Vậy còn anh cảnh sát hình sự, cán bộ ngành khác chẳng lẽ lại không được nâng lương? Nâng lương xong có giảm, hết được tham nhũng? Vả lại, cái bánh quỹ lương chỉ có thế thì việc nâng lương bao nhiêu cũng phải tính toán cho kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhóm xã hội. Nâng lương chỉ là một biện pháp thôi.


Không thể đóng cửa ra quyết định
 
Vậy theo ông, để hạn chế tham nhũng cần phải làm gì?

Cần nhiều giải pháp lắm. Có nâng lương, có lắp camera... nhưng cốt lõi phải là hoàn thiện cơ chế chính sách.

Cụ thể như thế nào, thưa ông?

Khi đưa ra một cơ chế, chính sách, biện pháp nào đó thì phải có sự tham khảo, điều tra dư luận xã hội, phải làm thử chứ không thể đóng cửa rồi ra quyết định. Ví dụ như trước khi đưa ra Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã phải tập trung ý kiến của các bộ, ban, ngành, chuyên gia... Rõ ràng, chỉ đưa ra một chính sách trong ngắn hạn đã phải có một quá trình chuẩn bị mất nhiều thời gian và công sức như thế thì đối với những vấn đề lớn như cơ chế, chiến lược dài hạn, việc ra quyết định, thay đổi không thể một sớm một chiều được!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
 
"Bất kể biện pháp nào, dù có dùng máy móc hiện đại để giám sát đi chăng nữa thì vẫn có những cách lách luật tinh vi. Tuy nhiên, cái gì mà cũng sợ mặt tiêu cực như thế thì sẽ không bao giờ làm được. Song cũng cần xác định rằng, nếu "thay máu" toàn bộ lực lượng CSGT, lắp đặt camera ở mọi điểm xử phạt vi phạm Luật Giao thông Đường bộ mà không có các giải pháp đồng bộ khác thì liệu một thời gian sau có chấm dứt được tình trạng hối lộ? Do đó, biện pháp này là cần nhưng chưa đủ. Cái cơ bản, quyết định nhất vẫn là từ cơ chế".

Luật gia Lê Văn Khải


Theo Bee

Các tin cũ hơn