Ông Sarkozy tiếp tục tranh cử Tổng thống Phpa 2012 nhưng để giành chiến thắng thì không mấy dễ dàng.
Tổng thống Sarkozy rất tự hào bởi những nỗ lực của ông cứu đồng euro và khu vực đồng tiền chung châu Âu ra khỏi cuộc khủng hoảng mặc dù bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, ông cũng không thể phủ nhận sự giúp đỡ của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào thành công đó.
Trước đó, ông Sarkozy giành được sự ủng hộ của cử tri khi đưa Liên minh châu Âu (EU) vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và làm trung gian hòa giải chấm dứt một cuộc chiến giữa Nga và Gruzia.
Tuy nhiên, ông Sarkozy đe dọa một khi ông tái đắc cử, nước Pháp sẽ rút khỏi không gian Schengen nếu châu Âu không sửa đổi các hiệp ước liên quan đến quyền tự do đi lại hồi đầu tuần trước. Bên cạnh đó, ông sẽ dựng lên các rào cản thương mại đơn phương, kiểm soát chặt chẽ người nhập cư và về ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh...
Trong thời gian qua, châu Âu đang trong quá trình thảo luận sửa đổi hiệp ước Schengen và có những chuyển biến tốt. Ủy ban châu Âu nỗ lực thảo luận và xem xét đề nghị của ông Sarkozy. Nếu những đề nghị đó của ông Sarkozy được thông qua thì sẽ rất có lợi cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống tới đây. Do đó những mối đe dọa đối với việc quay trở lại nắm quyển điều hành nước Pháp sẽ ít đi.
Ông Hollande chỉ trích quyết định của Tổng thống Sarkozy trong việc ký hiệp ước mới và cho rằng hiệp ước đó chỉ là một ảo tưởng và nó đặt ra các nguy cơ. Nó không chỉ tạo ra sự mất cân bằng ngân sách mà còn tạo ra các điều kiện cần thết cho cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.
Trên thực tế, thách thức lớn nhất mà ông Sarkozy cần phải vượt qua là ứng cử viên đảng xã hội Francois Hollande. Ông Hollande từng tuyên bố nếu ông đắc cử Tổng thống sẽ không phê chuẩn Hiệp ước kỷ luật ngân sách do 25 nước thành viên của EU thông qua trừ khi Đức và các quốc gia khác đồng ý bổ sung các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động.
"Đó là một chiến dịch kỳ lạ trong khi một số người muốn đàm phán lại một hiệp ước đã được ký kết trong khi những người khác muốn để lại điều ước quốc tế đã có hiệu lực", một quan chức cấp cao của EU nhận định.
Trong khi ông Sarkozy đề nghị thực hiện đạo luật "Mua châu Âu theo phong cách của người Mỹ thì ông Hollande kêu gọi thực hiện sự bảo hộ đối với hàng hóa của châu Âu. Trong đó, áp dụng mức thuế phụ nhập khẩu từ các nước không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của EU, lao động và các tiêu chuẩn môi trường.
Cố vấn của hai ông Sarkozy và Hollande đều cho rằng chiến lược tranh cử của họ nhằm thu hút phần lớn các cử tri bác bỏ hiệp ước thành lập một Hiến pháp chung của EU trong cuộc trưng cầu dân ý tiến hành vào năm 2005. Bởi lẽ, nhiều đại cử tri dành sự ủng hộ của mình cho ứng cử viên Le Pen hay ông Jean-Luc Melenchon.
Nhiều năm nay, người Pháp luôn tự coi mình là người sáng lập và lãnh đạo EU. Tuy nhiên, một số quốc gia trong EU không thích tự do thương mại, cạnh tranh không bị trói buộc và mở cửa biên giới đối với các quốc gia thành viên.
Một vài quốc gia trong EU không hoàn toàn đồng ý với kế hoạch mở rộng liên minh về phía Đông trong thời gian qua. Một số chuyên gia nhận định, điều này làm mất dần ảnh hưởng của Pháp và làm suy yếu mô hình xã hội thượng lưu, sử dụng hàng hóa đắt tiền thông qua cạnh tranh giá rẻ.
Mới đây, ông Sarkozy có bài phát biểu liên quan đến việc điều hành chính sách kinh tế và chính sách nhập cư của châu Âu.
Thêm vào đó, ông Hollande cũng kêu gọi mở rộng lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng Trung ương châu Âu bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và ưu tiên sử dụng trái phiếu chung EU để đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, giáo dục và phát triển đô thị.
Ông Sarkozy phải đương đầu với một số thách thức đó là, chi tiêu công tăng lên một cách nhanh chóng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Chi tiêu công tăng 56,6% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2011. Vì vậy, Pháp trở thành quốc gia có chi tiêu công cao thứ hai tại khu vực EU, sau Đan Mạch.
Mặc dù chi tiêu công của nước Pháp khá lớn nhưng chưa có ứng cử viên Tổng thống nhiệm kỳ này đề cập đến việc cắt giảm chi tiêu của Nhà nước. Tuy nhiên, theo giới quan chức Pháp và châu Âu nhận định, bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 6/5 sẽ phải thực hiện cắt giảm chi tiêu triệt để hơn.
Cả hai ứng cử viên trên đều cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách của Pháp từ 5,3% GDP (năm 2011) xuống còn 3% GDP vào năm 2013. Đây sẽ là sự cắt giảm mạnh chi tiêu công trong những năm tới tại Pháp.
Thay vào đó, các ứng cử viên tập trung chủ yếu vào việc làm thế nào để tăng thu nhập cho quốc gia. Bởi lẽ, Pháp là nước có nguồn thu lớn nhất từ thuế, tương đương với 50,8% thu nhập từ lĩnh vực kinh tế.
Cả hai cử viên Sarkozy và Hollande đều tập trung vào việc đánh thuế cao những người giàu có. Ông Hollande đề xuất tăng75% tiền thuế đánh vào nhóm đối tượng này và sẽ thu về hơn 1 triệu EUR (khoảng 1.300.000 USD) mỗi năm. Còn ông Sarkozy thì hứa hẹn sẽ tăng thuế đối với những nhà đầu tư nước ngoài khi tới Pháp làm ăn.
Trong khi các nước láng giềng như Đức, Italy và Tây Ban Nha thông qua hoặc tiến hành cải cách cơ cấu hệ thống hưu trí, thị trường lao động và phúc lợi thì Pháp lại khá thận trọng vì quan ngại bất ổn xã hội sẽ xảy ra.
Ông Sarkozy nới độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 và phải đối mặt với nhiều cuộc đình công, biểu tình. Ứng viên Hollande tuyên bố sẽ thay đổi chính sách trên nếu ông đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ này. Ông sẽ cải cách độ tuổi làm việc từ 18 thậm chí trẻ hơn và tuổi nghỉ hưu sẽ là 60.
Theo Đất Việt