Giao dịch tại DongA Bank |
- Thưa ông, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện thông tin cho rằng, DongA Bank đang tính chuyện sáp nhập. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào?
- Với tình hình thị trường hiện nay và đặc biệt là những chủ trương của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã mở ra những cơ hội tăng tốc phát triển cho các ngân hàng có nền tảng nội lực vững chắc thông qua việc hợp tác, sáp nhập với các ngân hàng khác.
Bản thân DongA Bank, sau thời gian tích lũy nội lực và phát triển nền tảng độc lập trong suốt thời gian qua, chúng tôi nhận ra những cơ hội trong bối cảnh hiện nay mà mình có thể tận dụng. Vì vậy, chúng tôi dự định sẽ xin chủ trương của Đại hội đồng cổ đông được tổ chức vào ngày 30/3 tới, để tạo điều kiện cho Ban lãnh đạo có các chính sách trong việc chủ động tìm kiếm các cơ hội phát triển thông qua hợp tác, sáp nhập song song với chiến lược phát triển bằng nguồn nội lực của mình.
Chúng tôi hy vọng sẽ tìm kiếm được những cơ hội để phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy cơ hội phù hợp, DongA Bank vẫn sẽ tự lớn mạnh với kế hoạch phát triển của chính mình.
- Vậy trên thực tế, hiện nay nhà băng đã lựa chọn được đối tác nào để đàm phán chưa?
- Quả thật là chúng tôi đã có những gặp gỡ và trao đổi thông tin với một số ngân hàng trong nước và quốc tế. Một số ngân hàng bạn cũng đã tin cậy và đánh giá cao những nền tảng của DongA Bank về số lượng khách hàng, mạng lưới chi nhánh, khả năng và trình độ quản lý... nên đã chủ động đề nghị được gặp gỡ. Về phía DongA Bank, chúng tôi cũng lựa chọn để trao đổi thông tin với các ngân hàng được cho là phù hợp với mình.
Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là ý tưởng và trao đổi những thông tin ban đầu. Còn để lựa chọn được đối tác thật sự phù hợp là một chặng đường dài, quá trình này cần phải trải qua nhiều bước. Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách này một cách thận trọng. Sự phù hợp về định hướng chiến lược, tầm nhìn, văn hóa tổ chức… giữa hai bên hợp tác là điều kiện tiên quyết mà nhà băng sẽ đánh giá một cách hết sức kỹ càng.
- Theo ông, việc hợp nhất sáp nhập lúc này có phải là phương án tối ưu hóa trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hay không?
- Tôi cho rằng, việc hợp nhất gắn kết giữa nhiều ngân hàng cũng là một trong những giải pháp giúp ngành ngân hàng Việt Nam phát triển mạnh hơn, tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.
Nhìn chung, hiện nay quy mô ngân hàng của nước ta chỉ ở mức trung bình và dưới trung bình, nên để có được quy mô lớn và có được vị thế cạnh tranh quốc tế, việc hợp tác, sáp nhập là cơ hội tốt cho các ngân hàng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc hợp tác, sáp nhập giữa các nhà băng phù hợp sẽ giúp cho các bên tận dụng được “sự cộng hưởng lẫn nhau” từ thế mạnh trong sản phẩm, dịch vụ, nguồn khách hàng, mạng lưới giao dịch và kênh phân phối. Ngoài ra, nó cũng giúp cho các ngân hàng tiết giảm đầu tư vào mạng lưới đại điểm, đầu tư thiết bị, hệ thống phần mềm…và giảm được chi phí vận hành, thời gian phát triển mạng lưới… để nhanh chóng vươn tới tầm vóc và vị thế thị trường vững chắc.
Dĩ nhiên, vẫn còn có rất nhiều cách khác nhau để phát triển các ngân hàng và tối ưu hóa các nguồn lực mà việc hợp tác, sáp nhập chỉ là một trong những cách thức có thể áp dụng tại thời điểm này.
- Khi hợp nhất ngân hàng lại với nhau, theo ông cần lưu ý những điều gì? Có những nguy cơ gì cần tránh?
Theo tôi, việc hợp tác, sáp nhập hay chọn cổ đông chiến cũng như là sự kết hôn. Chúng ta cần phải có sự hòa hợp lẫn nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc lâu dài và lớn mạnh trong tương lai, từ định hướng chiến lược, tầm nhìn, thị trường mục tiêu, văn hóa tổ chức…
Ông bà ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn mà”. Do đó, vấn đề cốt lõi nhất mà chúng tôi quan tâm là sự phù hợp để có thể tạo ra được sự cộng hưởng, đảm bảo sao cho phép cộng 1+1 phải lớn hơn 2 thì sự hợp tác, sáp nhập mới thật sự có ý nghĩa cho các cổ đông, khách hàng và người lao động.
Trên thế giới đã có nhiều trường hợp sáp nhập thành công ở các tập đoàn lớn, nhưng nhiều thương vụ sau quá trình sáp nhập lại thất bại vì những khác biệt trong định hướng kinh doanh, cách thức tổ chức các quy trình, văn hóa doanh nghiệp…
Vì thế, DongA Bank giữ quan điểm là chủ động tìm kiếm cơ hội nhưng phải hết sức thận trọng khi ra các quyết định. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều mặt khác nhau của phương thức phát triển “phi hữu cơ” này.
Chúng tôi chỉ thực hiện khi thời cơ đã chín muồi và các điều kiện tiên quyết về sự phù hợp được thấy rõ. DongA Bank sẽ không vội vàng trong công việc quan trọng này.
Theo VnExpress