Cắt giảm lãi suất, không nên vội vàng

Thứ hai, 19/03/2012, 17:18
“Nếu NHNN cắt giảm lãi suất quá nhanh và quá nhiều thì sẽ phải đối mặt với những vấn đề cũ mà chúng ta đang cố gắng kiểm soát, đó là các chu kỳ tăng giảm lạm phát”.


 

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam chia sẻ quan điểm với ĐTCK.

Ông có nhận xét gì về quyết định hạ lãi suất vừa qua của NHNN?

Mọi việc đang đi theo chiều hướng tốt, nên việc hạ lãi suất không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Lãi suất cao đã được duy trì một thời gian dài và Chính phủ đạt được mục tiêu của mình là ổn định lạm phát, ổn định tiền tệ. Tôi nghĩ, đây là thời điểm sớm nhất mà NHNN có thể hạ lãi suất và mức hạ lãi suất vừa rồi là hợp lý. Do đó, thị trường đang có những động thái tích cực và phù hợp.
  
Ông có quan ngại về việc NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ thời điểm này?

Hạ lãi suất rõ ràng nằm trong chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ, nới lỏng chính sách tiền tệ không phải là một điều xấu. Nếu Chính phủ nới lỏng quá nhanh hoặc quá sớm thì mới có tác động xấu, nhưng có vẻ như NHNN đã làm đúng. Do vậy, tôi không lo lắng về điều này. Tôi xin nhắc lại, NHNN quyết định hạ lãi suất đúng thời điểm và đúng mức độ. Chúng tôi không muốn chính sách này được thực hiện sớm hơn, nhưng cũng không muốn nhiều hơn tại thời điểm hiện tại. Những gì NHNN đang làm là rất tốt.

Tuy nhiên, giá năng lượng lại vừa tăng, ông có nghĩ điều này sẽ dẫn tới lạm phát tăng, ảnh hưởng tới quyết định giảm lãi suất?

Việc giá của nhóm hàng đó tăng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới lạm phát, nhưng tôi vẫn giữ quan điểm lạm phát sẽ theo chiều giảm xuống. Chính phủ hiểu rõ những xu hướng giá hàng hóa toàn cầu nên đây không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, đối với vấn đề trợ giá điện, tôi nghĩ rằng, kể cả khi Chính phủ từ từ cắt giảm việc trợ giá điện, điều này vẫn có ảnh hưởng đến lạm phát. Nhưng thực ra, việc này sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách, bởi nó làm giảm đáng kể các khoản hỗ trợ của Chính phủ, qua đó giúp điều hòa nền kinh tế vĩ mô.

Nhưng các doanh nghiệp đều cho rằng, NHNN hạ lãi xuất xuống 1% là vẫn chưa đủ đối với họ?

Đúng là mức lãi suất giảm như vậy thì không đủ cho tương lai lâu dài, nhưng tôi tin rằng, NHNN sẽ tiếp tục có những đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu NHNN cắt giảm lãi suất quá nhanh và quá nhiều thì họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề cũ mà tất cả chúng ta đang cố gắng kiểm soát, đó là những chu kỳ tăng giảm lạm phát. Việt Nam phải hướng tới việc ổn định lạm phát. Do đó, mặc dù lãi suất sẽ vẫn theo xu hướng giảm, nhưng lãi suất cần được cắt giảm vào đúng thời điểm và đủ mức độ. Tuy nền kinh tế đang trên đà phục hồi, nhưng chưa thể cảm nhận được nhiều trong những tháng tới. Tôi nghĩ, mọi thứ sẽ bắt đầu tốt hơn vào nửa cuối năm nay.

Ông có cho rằng, sẽ tốt hơn nếu NHNN bỏ trần lãi suất và để thị trường tự quyết định?

Tôi là người ủng hộ xu hướng thị trường tự do, nên lãi suất và tỷ giá cần được điều chỉnh bởi thị trường, chứ không phải bởi NHNN. Tuy nhiên, các biện pháp hành chính sẽ tốt nhất khi được áp dụng để đảm bảo những việc như chống đô la hóa, để đảm bảo người dân giao dịch bằng tiền đồng, chứ không phải bằng USD.
 
Ngân hàng Standard Chartered sẽ lên kế hoạch giảm lãi suất cho vay như thế nào trước quyết định cắt giảm lãi suất của NHNN?

Chúng tôi luôn định giá các khoản vay bằng cách lấy chi phí vốn cộng với một mức dự phòng rủi ro, tùy vào chất lượng tín dụng của từng khách hàng, không phân biệt khách hàng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp. Mức dự phòng rủi ro có thể sẽ được hạ xuống khi chi phí vốn thấp hơn. Do đó, tôi không thể nói chính xác mức lãi suất cho một khách hàng cho vay nào, nhưng chắc chắn rằng, khi chi phí vốn của chúng tôi giảm xuống thì chúng tôi sẽ hạ lãi suất cho vay.


Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn