Lao động đói bụng ngồi chờ việc

Thứ ba, 20/03/2012, 13:09
Từ đầu năm đến nay, ở hầu hết các chợ lao động lớn, tình trạng ế ẩm, khát việc là xu thế chung. Cửu vạn "khát việc", ngồi chơi nhưng nóng ruột vì bụng đói, lo cho gia dình ở quê thiếu thốn.

Công việc ít, thu nhập thất thường

Chợ lao động ở Phùng Khoang, trên đường từ Nguyễn Trãi đi Cầu Đen, Hà Đông là từng nhóm người ngồi trên vỉa hè, phân theo quê quán, với hàng dài xe đạp, xe thồ và các dụng cụ lao động chất ngang ngửa.

"Lên đây làm nghề này hơn 5 năm rồi mà chưa thấy khi nào vắng người thuê việc như năm nay. Từ khi ra tết, đến đây anh em chỉ toàn ngồi chơi thôi à", anh Nguyễn Huy (45 tuổi), quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định chia sẻ. Những người trong nhóm cùng với anh Huy phần lớn đều làm các công việc bên xây dựng, đập phá, dỡ nhà, đào đất... nay xây dựng khó khăn nên chả có việc để làm. .

"Gần tháng nay rồi, chúng tôi chỉ thay nhau coi gốc cây này thôi. Gốc cây này bị đuổi thì chạy sang gốc khác coi tiếp!", bác Phạm Huy Phóng (51 tuổi) quê ở Thái Bình đang ngồi chờ việc ở Phùng Khoang vừa nói vừa cười gượng gạo.

Đi một đoạn khoảng 100m trên tuyến phố lao động này, bắt gặp một nhóm khác nhưng chỉ toàn là phụ nữ. Họ ngồi bạt dưới vỉa hè, buôn chuyện khi chờ khách.
 

Có khi cả tuần không có việc. (Ảnh: Quang Tình)


"Phận đàn bà nhưng chúng tôi làm tất, từ công việc nặng nhọc, bốc vác tới cái nhẹ nhàng như dọn dẹp, giặt giũ... Nhưng ngồi mãi từ sáng tời giờ, hơn 3 tiếng rồi mà không thấy một ai thuê. Hàng tuần nay công việc chỉ là sáng ra đây ngồi nói chuyện, trưa về nấu cơm ăn, chiều ra ngồi chờ tiếp. Nhưng mà không có tiền tới đây không biết lấy gì để ăn", chị Phạm Thị Trang quê ở Giao Thủy, Nam Định nói trong chán nản.

Theo chị, người dân nay cũng đang rất khó khăn trong thời buổi cái gì cũng tăng, từ rau cỏ, thực phẩm tới gas, xăng, nên họ ít thuê việc làm. Dù bận bịu, nhem nhuốc với mấy thứ việc này, nhưng người dân nay cố gắng tự làm để giảm bớt chi phí, chi tiêu. "Họ thắt lưng buộc bụng thì mình cũng phải buộc bụng thắt lưng, nhịn đói theo thôi", chị Trang nói tiếp.

Công việc ít ỏi, lại rất thất thường, có khi lại ngồi không cả tuần khiến cho thu nhập của củ vạn rất bấp bênh, trôi nổi. Với nam lao động, nếu là công nhật thì khoảng từ 200.000-300.000 đồng/ngày/8 tiếng, còn công lẻ, công khoán thì giá rất phong phú, từ 100.000 đến 500.000 đồng tùy vào công việc. Với nữ lao động, họ thường tập trung thành từng nhóm, có khách nào gọi thì đi cả nhóm, dù chỉ được yêu cầu là 2,3 người. Số tiền họ làm được thì chia đều cho tất cả.

Anh Trần Văn Huy (35 tuổi) quê ở Nho Quan, Ninh Bình đang ngồi vất vưởng chờ việc trên cầu Mai Động chia sẻ: "Hôm nay thua! Cái nghề này như đi câu ở biển đó, son thì được ba bốn trăm một ngày, đen không ai thuê thì công không cả ngày luôn. Có hôm ban ngày không có ai thuê, nhưng giữa đêm có mối gọi đi làm thì lục đục dậy đi, không kể thời gian".

Anh cho hay, hiện nay xung quanh khu vực cầu Mai Động, đường Kim Ngưu, Minh Khai, nhà nước giải tỏa, đưa nhiều kho hàng, các công ty cơ khí, đúc ống, xây dựng... ra ngoại thành nên công việc ít hẳn đi.

Theo chị Đinh Lan Phương, số 9 Cảm Hồi, Lò Đúc bán hàng nước gần cầu Mai Động tiếp xúc nhiều với "cửu vạn" ở đây cho biết, trước đây quanh khu vực cầu Mai Động, Kim Ngưu, người dân các tỉnh đổ dồn về đây làm rất đông. Bình thường, ngày nào cũng tầm 30-40 người, có lúc đỉnh điểm lên đến 50-60 người vào mùa hè. Nhưng năm nay ít hẳn đi, chỉ lèo tèo 10 đến 15 người.
 

Không dám về quê

Vì công việc không ổn định nên hầu hết họ đều trả tiền thuê nhà trọ theo từng ngày. Bình thường họ đều tập trung nhau lại, ở tập thể khoảng từ 5-10 người, thậm chí có nơi gần 20 người trong những phòng trọ chưa đầy chục m2, lụp xụp trong những ngõ hẻm xa tít với số tiền là 10.000-15.000 đồng/người/ngày.

Anh Lê Duy Dũng (42 tuổi) quê ở xã Quảng Lộc, Quảng Xương, Thanh Hóa thường chờ việc ở Ngã tư Sở. Anh cho biết, hiện giờ anh đang ở với 6 người nữa ở ngõ 105 phường Thượng Đình trong một nhà trọ 6m2 với giá là 15.000 đồng/người/ngày. Đi làm cả ngày, tối về phòng trọ chỉ với 2 cái chiếu trải ra cho 6 người nằm. Anh cho biết thêm, ở quê anh chỉ có 3 sào ruộng, cấy hái xong thì ra đây làm thuê luôn. Với công việc hiện tại, anh phải nuôi 2 đứa con đi học ở quê, 1 đứa ở Hà Nội. Nên dù khó khăn vẫn không dám về vì nếu bố bỏ về thì cả mấy đứa con sẽ bỏ học.

"Thật tiết kiệm thì một ngày chi phí tất cả, từ ăn uống, nhà trọ, điện nước, đi lại... mất khoảng 100.000 đồng. Cấp cho đứa lớn đang học ngoài này 2 triệu rưỡi/tháng, còn đâu chỉ gửi về cho vợ được hơn 1 triệu thôi".
 

Ngóng khách. (Ảnh: Quang Tình)

 

Chị Trang chia sẻ: "Tiền công thất thường nên ăn uống cũng thất thường lắm. Hôm nào có việc, có tiền thì ăn ngon hơn một chút, còn hôm nào ế ẩm thì đi chợ chọn cái gì xấu nhất, rẻ nhất thì mua". Hiện chị đang ở với chồng cũng đi làm nghề này và đứa con cả đang học ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN trong một phòng trọ 10m2 giá 700.000 đồng/tháng ở số 28 Phùng Khoang, Từ Liêm.

Chị phải cắt giảm hết sức chi phí tiền ăn tầm khoảng 20.000 đồng/người/ngày, tiền sinh hoạt của hai vợ chồng, rồi tiền học của con. "Nếu may mắn có việc hàng ngày, chắt chiu lắm anh chị mới có thể gửi về cho các con ở quê với ông bà khoảng 2 triệu đồng. Có tháng được có mấy trăm gửi về mà thấy xấu hổ với các con, với bố mẹ".

Với tình trạng này, nhiều người buộc phải bỏ nghề. Đa số thanh niên bỏ về quê hoặc chuyển vào nam làm ăn, chỉ những người trung tuổi, lớn tuổi mới bám trụ lại Hà Nội để tiếp tục cái nghề này.

Anh Huy chia sẻ: "Khó mấy cũng phải bám trụ thôi, về quê bây giờ cũng thất nghiệp, nhịn đói nhìn nhau thì thảm lắm".
 

Theo VEF

Các tin cũ hơn