Rượu Moutai của Trung Quốc (Ảnh CNN)
Không chỉ nổi bật trong thị trường rượu cao cấp, chúng còn được viện nghiên cứu Hurun đánh giá là 2 trong số 10 thương hiệu cao cấp tốt nhất thế giới. Về giá trị thương hiệu, hai nhãn hiệu này còn được xếp ở vị trí cao hơn cả những cái tên như Gucci, Rolex, and Cartier.
Viện Hurun ước tính giá trị thương hiệu của Moutai là 12 tỷ USD trong khi Wuliangye là 7 tỷ USD.
Rượu và thức uống có cồn cao cấp đang trở thành một thứ sản phẩm được ưa chuộng đối với những người giàu có và giới cán bộ, quan chức. Năm 2010, Hồng Kông vượt qua Mỹ trở thành thị trường đấu giá rượu lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, một chai Moutai nho trong một cuộc đấu giá có giá khởi điểm là 2,6 triệu nhân dân tệ và được bán với giá 8,9 triệu (tương đương 1,36 triệu USD) tại thành phố Quý Dương. Tháng Giêng vừa qua, một chai Wuliangye sản xuất năm 1960 được bán trong một cuộc đấu giá với giá 155.687 USD. Những con số này khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Sự quan tâm một cách đặc biệt của thị trường đã khiến doanh thu của các hãng kinh doanh rượu cao cấp tăng mạnh. Hãng Kweichow Moutai tại tỉnh Quý Châu dự báo doanh thu năm 2011 đạt 2,7 tỷ USD, tăng khoảng 66,3%/năm, theo tài liệu từ Bloomberg. Trong khi đó hãng Wuliangye Yibin tại Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên cho biết con số đó là 3,2 tỷ USD và Bloomberg dự đoán năm nay mức tăng sẽ là 33,2%.
Còn Moet Hennessy - Louis Vuitton, công ty sở hữu vài thương hiệu rượu cũng như thức uống có cồn cao cấp như Hennessy, Dom Pérignon, và Krug cho biết năm 2011, tổng doanh thu đạt được của họ là 3,5 tỷ USD. Riêng Diageo tại London đạt được mức doanh thu 15,6 tỷ USD. Và Pernod Ricard tại Pari, tập đoàn sở hữu 40 thương hiệu trong đó có Maker's Mark, Jameson, Chivas Regal thu 9,9 tỷ USD.
Trên thực tế, tại thị trường Mỹ, lượng khách hàng của Moutai và Wuliangye không nhiều. Phần lớn trong số họ là người Trung Quốc. Ông Steven Tang, quản lý tại nhà hàng S. Dynasty ở Manhattan nói nhà hàng bán chai Moutai 375 ml với giá 220 USD và chai Wuliangye với giá 120 USD. Ông cho biết, nhưng loại rượu này không dễ mua tại thị trường này vì số lượng các nhà cung cấp không nhiều. Trong khi đó, giá nói chung và đặc biệt là các chai rượu lâu năm tăng mạnh do lượng cầu tăng.
Rượu xịn, xa xỉ và và tham nhũng
Ngoài ra, cơn sốt Moutai và Wuliangye đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới phê bình Trung Quốc khi mà ở quốc gia này, những sản phẩm như rượu xịn luôn được phục vụ tại các bữa tiệc của quan chức. Đây được xem là biểu tượng của sự lãng phí quá mức. Năm 2011, Kweichow Moutai đã phải rút lại đơn đề nghị được xếp hạng trong danh sách các thương hiệu cao cấp nhất thế giới của của hiệp hội World Luxury Association.
Trở thành một thương hiệu cao cấp có giá trị trên toàn thế giới, nhưng đồng thời họ cũng trở thành chủ đề lớn trên bàn thảo luận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Một số thành viên trong ban lãnh đạo còn khẳng định, cái giá cao ngất ngưởng khoảng vài ngàn dân dân tệ của rượu Moutai cũng thể hiện một "xu thế" của Trung Quốc, đó chính là nạn tham nhũng ngày càng gia tăng.
Lãnh đạo chỉ ra rằng, việc nhậu nhẹt của quan chức trở thành một vấn đề nổi cộm và phức tạp khi mà chi phí cho những buổi tiệc tùng đều được tính vào ngân sách công. Giá rượu Moutai thực sự là quá đắt đối với đồng lương của viên chức nhà nước.
Nhiều người lập luận, nếu không có việc lạm dụng ngân sách công để mua rượu cao cấp trong những buổi tiệc tùng của quan chức thì giá của Moutai hay Wuliangye sẽ không đến nỗi cao như hiện tại.
Trong khi công ty đang phải nỗ lực trước nhiệm vụ bảo vệ thương hiệu Moutai trước những áp lực từ phía các nhà hoạt động chính trị thì những khách hàng giàu có khác quan tâm nhiều đến việc làm thế nào để có thể tiếp tục được thưởng thức sản phẩm của thương hiệu cao cấp này.
Theo vietstock