"Nuôi" ô tô tốn 60 triệu/năm, ai dám đi?

Thứ ba, 20/03/2012, 13:37
Ôtô muốn lăn bánh, sắp tới đây, chủ xe sẽ phải tốn tới 60 triệu đồng/năm cho các loại phí. Chưa kể số tiền phải nộp khi mua xe, liệu người dân có dám đi ôtô?
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/6/2012, đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương trình phương án về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân để tạo nguồn cho quỹ. Dự kiến, người sở hữu xe ôtô có thể sẽ phải đóng đến hơn 60 triệu đồng/năm.
 

Trăm thứ phí đổ dồn.

Theo Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ, nguồn thu chính của quỹ là phí sử dụng đường bộ. Đây là số tiền được thu hàng năm tính trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Phí sử dụng đường bộ thu được sẽ phân chia cho quỹ trung ương 65%, cho các quỹ địa phương 35%. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải dự thảo mức thu là 180.000-1,4 triệu đồng/tháng đối với ôtô và 80.000-150.000 đồng/năm đối với xe máy.

Trăm thứ phí đổ dồn lên đầu ôtô.

Đối với việc thu Quỹ bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, cho biết, với ôtô sẽ thu qua các lần đăng kiểm phương tiện. Còn đối với mô tô, xe máy thì thu trực tiếp và do chính quyền các địa phương thu.
 
Ngoài việc đóng Quỹ bảo trì đường bộ đã được Chính phủ thông qua, Bộ GTVT còn đang đề xuất thu hai loại phí cho các phương tiện tham gia giao thông: phí lưu hành phương tiện và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
 
Để hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, Bộ sẽ tiến hành thu phí lưu hành đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống với mức phí 20-50 triệu đồng/năm. Đồng thời, thu phí 500.000-1 triệu đồng/năm đối với xe máy ở năm thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng).

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là 30.000 đồng/lượt đối với xe ôtô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ôtô còn lại như xe tải, xe chở người lớn hơn 7 chỗ ngồi...

 
Như vậy, tới đây, nếu như phí lưu hành và phí đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm được thông qua thì mỗi chủ xe ôtô sẽ phải đóng khoảng 60-70 triệu đồng/năm, còn xe máy ở các thành phố trực thuộc trung ương cũng sẽ phải đóng khoảng 1-1,2 triệu đồng/năm.
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết hiện một số nước có áp dụng thu phí giao thông vào trung tâm thành phố, nhưng ở những nước này không áp dụng phí sử dụng đường bộ. Như vậy khi áp dụng phí sử dụng đường bộ rồi mà lại áp dụng phí vào trung tâm thành phố thì cần cân nhắc thêm, thiết kế như thế nào đó cho không bị trùng.
 
Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, trường Đại học Giao thông Vận tải, cho rằng, việc người đóng phí để chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước là việc cần làm.
 

Cần có lộ trình
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân là để thu trực tiếp vào đối tượng có tiền, có điều kiện mua xe, không ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số người dân hiện nay.
 
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội, lý giải: Việc thu phí lưu hành xe ôtô là đúng bởi những người đi ôtô đa phần là có mức thu nhập khá và giàu. Tuy nhiên, nếu thu đến 20-50 triệu đồng/xe/năm là quá cao, cần phải giảm xuống và có lộ trình thực hiện theo hướng tăng dần. Chẳng hạn, khi năm đầu thực hiện thì chỉ nên thu 5 hoặc 10 triệu đồng/xe/năm, các năm tiếp theo sẽ tăng dần dần lên 10-15 triệu đồng. Như thế, người điều khiển giao thông sẽ bớt sốc và dễ dàng chấp thuận.
 
Lo lắng hơn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho rằng, nếu tất cả các đề xuất trên được ban hành thì tới đây một chiếc xe sẽ phải "cõng" hàng chục thứ phí.
 
"Hiện nay ở Hà Nội mức phí trước bạ đối với ôtô chở người đã là 20%, lệ phí cấp biển ôtô 20 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính riêng hai khoản này thì một chiếc xe có giá 400 triệu đồng cũng đã tốn 100 triệu đồng tiền phí. Thêm vào đó, muốn lăn bánh mỗi năm còn phải đóng 20 triệu đồng tiền phí lưu hành, khoảng 2-16 triệu đồng cho quỹ bảo trì đường bộ rồi hàng loạt những khoản tiền khác như phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, phí bình ổn giá xăng dầu 500 đồng/lít, thuế môi trường 1.000 đồng/lít, phí kiểm định, phí bảo hiểm... Phí nhiều như thế e rằng ôtô, xe máy khó mà "cõng" nổi" - ông Hùng tính toán.
 
"Phải nhìn nhận rằng xe máy không phải là đối tượng gây tắc đường. Bởi nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ôtô chỉ chiếm 10% trong tổng số phương tiện giao thông nhưng chiếm 55% diện tích đường và 65% diện tích đỗ, còn xe máy thì ít hơn. Vì thế tôi cho rằng nên thu phí xe máy nhưng mức phí thấp thôi, chủ yếu để người dân thấy rằng có sử dụng đường, có điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì phải đóng phí", ông Hùng nói.

Đang đi ôtô và mỗi năm sẽ phải chuẩn bị khoảng 60 triệu để đóng các loại phí, bạn có sẵn sàng hay sẽ chuyển sang phương tiện vận chuyển khác? Theo bạn, mức phí trên có hợp lý hay không? Việt Nam nên làm cách nào để vừa hạn chế sự gia tăng của các phương tiện cá nhân, giảm tắc đường, vừa có nguồn kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông?


Theo VEF

Các tin cũ hơn