> Sáp nhập MobiFone và Vinaphone
> Bộ chưa đồng tình việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone
Chiều 20/3, ông Lê Nam Thắng đã đưa ra thông tin chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT- TT) về thông tin sáp nhập Vinaphone và Mobifone: Cho đến thời điểm này, Bộ chưa xem xét và cho ý kiến bất cứ phương án nào của VNPT (chuẩn bị cho quá trình chuẩn bị tái cấu trúc Tập đoàn).
“Thực hiện chủ trương tái cấu trúc Tập đoàn, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), nghiên cứu để trình các phương án.
Bộ xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải làm thật chặt chẽ vì có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đến người lao động và người sử dụng dịch vụ viễn thông. Do vậy các đề án tái cấu trúc nói chung phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, theo đúng quy trình”- ông Thắng khẳng định.
Lãnh đạo VNPT xác nhận, phương án sáp nhập hai mạng di động Vinaphone và Mobifone là mong muốn của doanh nghiệp và chưa có ý kiến chính thức từ cơ quan chủ quản. Còn đại diện của Mobifone thì khẳng định: “Doanh nghiệp sẽ tuân thủ theo quyết định cuối cùng từ Bộ TT- TT”.
VNPT đang sở hữu hai trong ba mạng di động lớn nhất trên thị trường. Về vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định: VNPT có thể đưa ra rất nhiều các phương án, song các phương án đều phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và 3 tiêu chí: Một là, đảm bảo doanh nghiệp viễn thông hoạt động hiệu quả hơn, có năng suất hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn. Hai, việc tái cấu trúc không chỉ mang lại lợi ích riêng cho doanh nghiệp (cụ là VNPT), mà phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững hơn, cạnh tranh thật lành mạnh. Ba là, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước phải bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp đó vẫn hoạt động ổn định và không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bộ TT-TT cũng được giao chỉ đạo đề ra lộ trình cụ thể để thực hiện theo đúng các quy định của Luật. Hiện Bộ đang chỉ đạo VNPT, các doanh nghiệp khác và các đơn vị chức năng tiến hành rà soát lại để thực hiện các quy định nói trên.
Ngoài ra, ông Lê Nam Thắng cũng cho rằng doanh nghiệp có thể có rất nhiều phương án khác nhau được xây dựng trong quá trình tái cơ cấu. Do đó, việc doanh nghiệp đưa các phương án để lấy ý kiến cán bộ, công nhân viên, lấy ý kiến người dân và các cơ quan chức năng…là điều hoàn toàn bình thường.
Nhận xét về phương án Vinaphone và Mobifone sáp nhập, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, tính toán này không phù hợp, thậm chí có hại cho cạnh tranh, gây khó khăn lớn cho các công ty di động khác. Bởi khi đó hai mạng di động này được sáp nhập sẽ tạo ra một công ty có thị phần chi phối tới 50-60%, kéo theo có hại cho lợi ích của người tiêu dùng.
Trên thực tế, hiện thị trường di động nằm trong tay 3 ông lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel.
Theo sách trắng của Bộ TT&TT thì thị phần của 3 mạng này chiếm đến 95%. Trong trường hợp VinaPhone và MobiFone sáp nhập, thị trường cơ bản sẽ tập trung vào 2 mạng di động là VNPT và Viettel. Các mạng di động còn lại chỉ chiếm 5%, quá nhỏ để cạnh tranh với hai ông khổng lồ chiếm tới 95% thị trường.
Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho rằng, thị trường Viễn thông phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng thì mới tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Chia sẻ “bài toán” VNPT bắt buộc phải hợp nhất, hoặc cổ phần hoá hai mạng di động trực thuộc nhằm tuân thủ Nghị định 25 của Chính phủ, lãnh đạo Bộ TT- TT khẳng định: Nghị định 25 thể hiện mong muốn của nhà nước tạo thị trường lành mạnh, không để xảy ra hiện tượng độc quyền doanh nghiệp. Do đó, cần có thời gian để xem xét kỹ hơn việc tái cấu trúc VNPT sao cho phù hợp.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ để hướng tới xây dựng một thị trường viễn thông cạnh tranh hơn, cương quyết cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, để có thị trường viễn thông cạnh tranh thực sự. Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế lại đưa ra cảnh báo về sự mất mát giá trị thương hiệu của hai mạng di động đang trực thuộc VNPT.
Theo tính toán giá trị thương hiệu của hai nhà mạng này trên thị trường đều rất lớn. Nếu nhập vào làm một, tức là một trong hai hoặc cả hai sẽ mất đi một thương hiệu và sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong 1 doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. |
Theo Dân Trí