Ngân hàng “kết hôn” có hạnh phúc?

Thứ tư, 21/03/2012, 09:03
“Thâu tóm”, “sáp nhập”, “mua lại” …. là những cụm từ được giới tài chính nhắc tới nhiều nhất trên thị trường một tháng trở lại đây và theo nhiều dự đoán sẽ là xu thế tất yếu của các tổ chức tài chính.


“Châm ngòi” cho hiện tượng này là tin Sacombank và Eximbank “sẽ về một nhà”, kế đến là SHB mua lại Habubank và gần đây nhất là sự úp mở của CEO DongABank khi vị này cho biết, nhà băng này cũng đang tìm đối tác để sáp nhập.
 

Dồn dập "sóng ngầm" thâu tóm

Khi vụ lùm xùm tranh giành quyền lực Sacombank và Eximbank tạm lắng, nhà đầu tư chỉ biết dõi theo kết quả đại hội cổ đông tới của Sacombank vào tháng 4 tới, thì thông tin SHB toan tính mua lại Habubank khiến thị trường tài chính một phen lao đao bởi những tin đồn thổi. Đáng nói là sự lập lờ thông tin giữa hai đối tác này, Habubank kiên quyết phủ nhận nhưng lại để ngỏ khả năng chào đón cơ hội hợp tác, thì phía còn lại – SHB lại "tung hỏa mù" với lập luận rằng nhà băng này cũng đang trong quá tình tìm một đối tác để hợp nhất.

Dù vẫn có nguồn tin cho rằng, các vụ mua bán ngân hàng nêu trên là có thực, chỉ có điều thời điểm "bung" thông tin chưa chín muồi, vì thế các bên đành phải "lên mặt làm ngơ" và đánh lạc hướng dư luận. Song, có một điều rõ ràng nhất là cổ phiếu ngân hàng trở nên đắt giá trước những thông tin về thâu tóm, sáp nhập. 

Cổ phiếu SHB, HBB, STB, EIB… tăng liên tục trong nhiều phiên và đạt giá trị chuyển nhượng "đỉnh" kể từ khi những tin đồn được "bung" ra. Đơn cử, từ đầu năm tới nay, nhất là từ ngày 13/3, HBB trở thành “hiện tượng” của sàn Hà Nội với mức tăng giá cực mạnh với 71%, đạt 7.200 đồng/cổ phiếu, trong khi đó SHB cũng tăng 91%, đạt 10.900 đồng/cổ phiếu.

Trong khi thị trường vẫn đang dõi theo từng "nhất cử nhất động" từ thương vụ Sacombank – Eximbank; SHB – Habubank thì đầu tuần này thị trường tài chính lại đón nhận thêm thông tin nữa từ chính người trong cuộc – CEO của DongABank khi ông này tiết lộ, DongABank cũng đang tính tới việc kết hợp với một ngân hàng khác để lớn mạnh hơn. 

Ngay trong chiều 19/3, DongABank cũng đã gửi thông cáo báo chí tới các cơ quan truyền thông khẳng định thông tin việc ngân hàng này đang tìm đối tác để "kết hôn" là có thực. Theo lãnh đạo ngân hàng này, ngân hàng này đang tìm hiểu nhiều đối tác trong đó không loại trừ khả năng DongABank sẽ là một ngân hàng ở phía Bắc nhằm khẳng định vị thế của ngân hàng tại thị trường này. "Tên tuổi của đối tác mà DongABank đang nhắm tới sẽ chỉ được tiết lộ vào đại hội cổ đông của ngân hàng này cuối tháng 3 tới đây" – thông tin từ DongABank khẳng định.

Có một điều khác biệt, nếu như nhiều ông chủ ngân hàng khác "giãy nảy" trước thông tin rò rỉ rằng ngân hàng mình sẽ phải sáp nhập với ngân hàng khác, thì CEO DongABank lại rất thẳng thắn, "tôi không lo ngại mất quyền tại DongA Bank, vì đã chấp nhận “kết hôn” thì cùng nhau xây dựng “gia đình” hạnh phúc".

Nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao một ngân hàng được xếp hàng "hạng khá" như DongABank cũng phải tìm đối tác để sáp nhập? Phải chăng phía sau đó là "ẩn ý" nhằm đánh bóng tên tuổi trước mùa đại hội cổ đông đang cận kề?

Thực chất, năm 2012 DongABank được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm 2 – nhóm được phân chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, kết quả kinh doanh năm 2011 của nhà băng này cũng không đến nỗi tồi, lãi trước thuế đạt 1.255 tỷ đồng tăng 46,3% so với năm 2010. Nên dù chưa niêm yết thì chính sự thẳng thắn của lãnh đạo DongABank đã phần nào giúp hình ảnh của nhà băng này tăng lên trong mắt các nhà đầu tư. Bởi nếu DongABank tiến hành sáp nhập với một ngân hàng nào đó thì cũng là hợp lý với quan niệm kinh doanh mà ngân hàng này hướng tới "1+1>2, để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn".
 

Sáp nhập: Một vốn bốn lời

Chuyên gia tài chính Trương Thanh Đức cho rằng, việc các công ty thâu tóm nhau qua hình thức mua bán, sáp nhập... là việc làm hết sức bình thường trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ dần theo xu thế này. Có nhiều cách thâu tóm như qua chào mua công khai, tìm cách mua gom cổ phiếu... Phương thức mua gom cổ phiếu, thâu tóm qua thị trường chứng khoán nay càng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết khi giá cổ phiếu thời điểm này chỉ còn 1-2 "chấm", mức giá được xem là "hời" với các đại gia.

"Đây chính là cơ hội "một vốn bốn lời" mà các đại gia khó bỏ qua nếu muốn thâu tóm các đối thủ dưới cơ"- ông Đức bình luận.

Trả lời câu hỏi vì sao các "đại gia" lại thích thâu tóm các ngân hàng hơn là những doanh nghiệp sản xuất đơn thuần? Một chuyên gia tài chính khác đánh giá, trong bối cảnh khó khăn hiện tại thì thông qua hoạt động M&A được xem là khá nhanh chóng để tham gia một lĩnh vực mới hoặc mở rộng thị trường kinh doanh. "Những đại gia ham thích đầu tư trên thị trường tài chính muốn nắm giữ trong tay một TCTD nào đó, thay vì phải bỏ tiền ra lập một ngân hàng từ đầu với những điều kiện quá khắt khe và gần như là không tưởng thời điểm hiện tại, thì việc mua lại, chiếm giữ tỷ lệ lớn cổ phần và thâu tóm quyền kiểm soát của ngân hàng nào đó, là con đường ngắn nhất tới đích, vừa có lợi hơn cả".

Thực tế, theo ông Đức ở bất kể trong trường hợp nào, ông chủ các ngân hàng này đều có lợi. Sáp nhập giữa các ngân hàng được hiểu theo phương thức "win – win" (cùng thắng) trong kinh doanh. Sẽ không có chuyện ngân hàng phá sản, mà đây là cơ hội để các TCTD mạnh hơn, tổ chức nào yếu thì đương nhiên được lên "chiếu" trên. Với các ngân hàng thuộc nhóm yếu (nhóm 3,4) thì việc nhận vốn từ các "anh lớn" sẽ giúp nhóm này tái cấu trúc và "lên hạng" sau 6 tháng tới (thời điểm Ngân hàng Nhà nước đánh giá lại các TCTD sau một thời gian phân bổ chỉ tiêu tín dụng).

Chưa rõ những cuộc "hôn phối" giữa các ngân hàng kể trên có thành hiện thực hay không vì chỉ người trong cuộc mới biết và câu trả lời xác thực nhất chỉ có sau khi mùa đại hội cổ đông. Và như thế, xem ra chưa năm nào mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng lại được đón chờ và được xem như "đòn" mang tính quyết định số phận của các TCTD trên thị trường tài chính. Phải chăng, các ông chủ ngân hàng lại sắp bước vào một cuộc chơi mới, hứa hẹn bội thu?

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích