Khách du lịch tại Việt Nam |
- Thưa ông, xu hướng phát triển ngành du lịch, khách sạn của thế giới sẽ như thế nào trong tương lai?
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong năm 2011, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trưởng 4,4% từ 939 triệu người vào năm 2010 lên đến 980 triệu người. Dự kiến, năm 2012 con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn, số lượng khách du lịch quốc tế sẽ đạt mức 1 tỷ vào cuối năm nay.
Trong năm ngoái, khách du lịch quốc tế tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 6%, tương đương 11 triệu lượt, lên đến 216 triệu. Cả khu vực Nam Á và Đông Nam Á đều tăng 9% do nhu cầu trong khu vực mạnh mẽ, trong khi tăng trưởng tương đối yếu ở khu vực Đông Bắc Á (+4%) và châu Đại Dương (+0.3%), một phần do sự suy giảm tạm thời của thị trường khách du lịch Nhật Bản.
UNWTO đã dự báo những nền kinh tế đang nổi sẽ lấy lại vị trí dẫn đầu với mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi (4- 6%), tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu (2 - 4%). Khu vực Trung Đông được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi và tăng trưởng từ 0 đến 5%.
- Vậy trong bức tranh chung đó, cơ hội phát triển của ngành du lịch Việt Nam sẽ như thế nào?
Tôi xin khẳng định Việt Nam có tiềm lực rất lớn về phát triển du lịch.
Theo kế hoạch được các bạn xây dựng, đến năm 2015, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp đón 7,5 triệu du khách quốc tế hàng năm, tăng 25% so với mức kỷ lục từng đạt được trong năm 2011. Từ đó, du lịch dự kiến sẽ tạo ra doanh thu lên đến 11 tỷ USD, đóng góp 5,5% GDP của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt một chiến lược du lịch đầy tham vọng nhằm đạt được một sự tăng trưởng nhảy vọt về số lượng khách du lịch quốc tế vào năm 2020 (tăng 75%). Mức tăng trưởng này sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành công nghiệp dịch vụ thực phẩm và khách sạn. Các doanh nghiệp sẽ phải tập trung hơn nữa vào việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới nhằm vừa làm hài lòng người tiêu dùng vừa tăng hiệu quả và giảm chi phí.
- Trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài thuộc ngành du lịch, Việt Nam có phải là điểm đến hứa hẹn?
Việt Nam đón hơn 6 triệu khách nước ngoài. |
Hiện ngày càng có nhiều thương hiệu nổi tiếng quốc tế trong lĩnh vực khách sạn, resort, khu phức hợp giải trí và vui chơi có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang tham gia một sân chơi ngày càng cạnh tranh, đòi hỏi đất nước bạn phải làm rõ đâu là ưu thế cạnh tranh của mình. Để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch và khách sạn, cần phải có một cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn, cơ sở hạ tầng được cải thiện và chất lượng nguồn nhân lực cao hơn. Tôi nghĩ đây cũng nên là ưu tiên cao nhất trong mục tiêu trung và dài hạn của Chính phủ các bạn.
- Ông có thể đưa ra những đề xuất gì giúp Việt Nam phát triển ngành du lịch, khách sạn?
Yếu tố quan trọng nhất trong ngành công nghiệp du lịch và khách sạn chính là dịch vụ. Như vậy, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ kinh phí cho các khóa học đào tạo đội ngũ nhân lực làm việc ở vị trí "bộ mặt" của ngành công nghiệp du lịch. Những lao động này cũng có thể được gửi đến nhiều nơi trên thế giới để học hỏi các kinh nghiệm bằng cách tham gia các cuộc thi có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: để đạt được tăng trưởng liên tục, Chính phủ cũng cần phải tạo các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch. Chẳng hạn, Chính phủ cần cải thiện thủ tục xin và cấp thị thực, rút ngắn thời gian cấp thị thực v.v...
- Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm làm du lịch của Singapore, thưa ông?
Chính phủ Singapore đã tập trung vào việc định vị đất nước này như là một trung tâm kinh doanh, có lối sống toàn cầu bằng cách không chỉ mang lại mà còn nuôi dưỡng, phát triển các công ty tổ chức triển lãm và hội nghị tầm cỡ thế giới.
Một khía cạnh quan trọng nữa là Singapore đã quy định sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính của doanh nghiệp và như vậy có thể tổ chức triển lãm và hội nghị tầm cỡ thế giới phục vụ cho các doanh nghiệp trong khu vực cũng như quốc tế.
Singapore cũng đã đầu tư rất nhiều vào việc tạo ra các khái niệm mới và ý tưởng mới để tạo sức hấp dẫn cho du lịch, cũng như tăng cường năng lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Có lẽ Việt Nam cần lưu ý và quảng bá hơn nữa về nền tảng văn hóa mạnh mẽ của mình, coi đó là một điểm mạnh để thu hút khách du lịch cao cấp.
Việt Nam có lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan vì vậy nên sử dụng lợi thế địa lý đó để khuyến khích phát triển du khách cả trong và ngoài nước. Bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như hệ thống đường sắt trong nước, Chính phủ có thể làm tăng nhu cầu cho du lịch nội địa giữa miền Bắc và miền Nam, do đó tăng doanh thu từ du lịch.
Tôi nghĩ, Chính phủ có thể thúc đẩy quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến thân thiện cho khách du lịch. Điều này có thể giúp thu hút khách du lịch tương tự như cách Thái Lan đã làm.
- Được biết, từ 17-20/4 tới đây, công ty ông sẽ tổ chức hai cuộc triển lãm là Food&HotelAsia2012 (FHA2012) và Wine&SpiritsAsia2012 (WSA2012) tại Singapore. Có đông doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện này?
Với ngành du lịch và khách sạn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam trong năm 2011, triển lãm là cơ hội cho các doanh nhân và các nhà nhập khẩu Việt Nam tìm hiểu nhiều hơn về chủng loại hàng hóa và thương hiệu có sẵn ở các nước trong khu vực. Các ông chủ khách sạn hàng đầu thế giới và các thương hiệu siêu thị đang nhắm đến mục tiêu mở rộng thị trường tại Việt Nam cũng có thể nhân cơ hội này để mở rộng mạng lưới hợp tác với những đối tác thương mại Việt Nam trong triển lãm.
FHA2012 cũng có thể là nền tảng hoàn hảo cho các công ty Việt Nam để mở rộng ra thị trường quốc tế theo như kế hoạch của Bộ Công Thương Việt Nam đã đề ra. FHA 2012 thu hút 29 công ty Việt Nam tham gia trong 5 triển lãm chuyên ngành.
Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp lại nhiều khách sạn đã từng đến thăm các triển lãm trước của FHA như khách sạn Equatorial TP.HCM, Khách sạn Đại Dương, An Nam Group và JetWing International.
- Xin cảm ơn ông!
Theo DĐDN