Không nên áp một con số tuyệt đối
- Với mức tăng khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 4 triệu đồng/tháng hiện nay lên 6 triệu/tháng vào năm 2014, nhiều người dân cho rằng sửa như vậy là lạc hậu. Ông có đánh giá thế nào về ý kiến này?
Lạc hậu hay không thì tôi không dám nói, vì tới năm 2014, chưa biết tình hình kinh tế xã hội sẽ thế nào. Chính sách ở đây là đón đầu.
Tuy nhiên, việc này cũng đã từng tranh cãi rồi. Luật Thuế thu nhập cá nhân có nên ấn định một mức thu nhập tuyệt đối làm cơ sở thu thuế không, hay là phải dựa vào một chỉ tiêu biến đổi nào đó phản ánh mức sống của người dân? Người ta thường đề xuất chọn căn cứ vào mức lương tối thiểu và từ đó nhân một hệ số nào đó lên.
Theo tôi, đánh thuế thu nhập cá nhân sẽ phải căn cứ vào 2 yếu tố: lạm phát và xu thế dịch chuyển của tiêu dùng. Ví dụ năm nay, 5 triệu đồng/tháng thu nhập có thể là tạm ổn nhưng đến năm 2014, kể cả không có lạm phát cao thì ở giai đoạn, phát triển mới, phải có thu nhập 7 triệu đồng/tháng mới là tạm ổn.
Khi Việt Nam liên tục có lạm phát cao thế này, biến động kinh tế vĩ mô liên tục, tốt nhất đừng đưa ra một con số tuyệt đối về mức khởi điểm thu nhập chịu thuế mà nên chọn mốc căn cứ có thể biến đổi. Con số đó không phản ánh được xu thế vận động của tiêu dùng.
Ngoài ra, còn phải tính tới đặc thù, sửa luật rất phức tạp, phải chờ 5 năm. Rõ ràng, như cách làm hiện nay của Bộ Tài chính, luật chưa ra đã lạc hậu rồi mà giờ cố nèo cho được 5 năm để tồn tại được một con số tuyệt đối thì còn buồn cười hơn.
- Thưa ông, phương án chọn 6 triệu là khởi điểm chịu thuế của Bộ Tài chính cũng đã tính yếu tố dự báo lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mức 4 triệu khởi điểm chịu thuế hiện hành đã lỗi thời. Ông có bình luận thế nào về một bài toán với các căn cứ như vậy?
Khi Bộ Tài chính đã dựa vào một con số tuyệt đối cho thu nhập khởi điểm chịu thuế , cho giảm trừ người phụ thuộc thì Bộ buộc phải căn cứ vào các yếu tố đó để tính.
TS Vũ Đình Ánh |
Tuy nhiên, nói về kinh tế vĩ mô thì rõ ràng có khoảng cách rất lớn giữa kế hoạch và thực tế diễn ra, điển hình nhất là hai chỉ số tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát.
Tôi đã từng gửi báo cáo Quốc hội chứng minh 2 chỉ tiêu này thường cách nhau một trời một vực giữa kế hoạch trên giấy và đời sống thực tế. Nếu dựa vào đó để hoạch định chính sách, về tương lai thì tôi không biết sẽ thế nào nhưng về quá khứ, rõ ràng là đã có vấn đề.
Nên thu thuế từ đồng đầu tiên nhưng thuế suất thấp
- Nguyên tắc khi tính thu nhập chịu thuế là cao hơn thu nhập bình quân đầu người , nhưng mức thu nhập bình quân này ở Việt Nam được công bố thường rất thấp so với mức đủ sống. Ông có đánh giá thế nào về nguyên tắc này?
Thứ nhất, chúng ta phải thống nhất với nhau rằng, luật thuế thu nhập cá nhân không phải là luật dành cho người có thu nhập cao.
Có hai cách tiếp cận vấn đề này, thứ nhất là thuế sẽ đánh ngay từ đồng thu nhập đầu tiên của người dân và thứ hai, chọn một ngưỡng nhất định được miễn thuế và trên ngưỡng đó, mới đánh thuế. Việt Nam chọn cách thứ hai.
Vậy ngưỡng đó là ngưỡng như thế nào? Như Bộ Tài chính giải thích là ngưỡng đủ cho người dân sống, cộng thêm chiết trừ gia cảnh đủ nuôi người phụ thuộc.
Ngưỡng này ở hầu hết các nền kinh tế đều lấy là tiền lương tối thiểu. Cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ, tiền lương tối thiểu tại Việt Nam dường như quá xa với thực tế. Người ta trả lương đều phải nhân hệ số lên chứ không ai có thể sống với mức lương tối thiểu.
Ngưỡng này cũng không thể căn cứ vào mức thu nhập bình quân được vì xác định chỉ số này rất khó chính xác. Nhất là ở Việt Nam, không quản lý được thu nhập của người dân, nói thu nhập thế mà không phải thế.
Do đó, quan điểm của tôi ngay từ khi xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân ban đầu là phải thay đổi cơ bản từ tư duy làm luật. Tôi cho rằng, Nhà nước nên thu thuế ngay từ đồng đầu tiên, nhưng thuế suất phải cực thấp, gần như mức tượng trưng.
Như vậy, vừa giảm nguy cơ trốn thuế, thông qua đó, Nhà nước kiểm soát được thu nhập của người dân. Khi kiểm soát được rồi thì Nhà nước mới căn cứ vào quy mô người nộp thuế với mức thuế thu nhập để tính chuyện điều chỉnh thuế suất nếu cần.
Nếu xác định ngưỡng nào đó cụ thể, tuyệt đối như hiện nay thì dễ phát sinh tiêu cực, người thu nhập cao thì sẽ giấu đi để trên danh nghĩa với Nhà nước vẫn nằm ở diện ngưỡng được miễn thuế.
- Như ông nói, chính cách đánh thuế thu nhập cá nhận đang gây ra bất bình đẳng?
Vừa rồi, Bộ Lao động thương binh và xã hội đã đi khảo sát những chị em "đứng đường", nhóm này có thu nhập tới 10,6 triệu đồng/tháng. Nhóm đó cao gấp 2,5 lần mức thu nhập bình quân của 20% nhóm người giàu nhất Việt Nam. Nói cách khác, nhóm giàu chỉ có thu nhập khoảng gần 4 triệu đồng/tháng. Vậy giờ 6 triệu mới phải đóng thuế thì tuyệt vời quá còn gì???
Một thông số khác là thú vị, ở Đà nẵng, có vị quan chức công bố anh cảnh sát giao thông nào lởm khởm thì sẽ bị đuổi khỏi ngành với lời giải thích vì thu nhập của anh cảnh sát trung bình là hơn chục triệu/tháng. Như vậy, họ đã có thu nhập cao gấp 2,5 lần của tôi làm việc tại Bộ Tài chính hiện nay.
Chúng ta có thực tế là không thể kiểm soát được thu nhập thì lấy gì để đi đánh thuế thu nhập. Nó dẫn tới một điều rất bất công là, trong khi có những người thu nhập rất cao nhưng không phải đóng thuế, còn những cán bộ thu nhập còm cõi thì có đồng nào phải đóng thuế ngay một cách nghiêm túc.
Chính sách thuế thu nhập cá nhân phải đảm bảo một ý nghĩa quan trọng là nó sẽ hỗ trợ như thế nào trong việc kiểm soát thu nhập ở Việt Nam. Chỉ khi nào làm được việc này thì mới đảm bảo tính chất của thuế thu nhập cá nhân, đó là một cách phân chia lại tài sản trong xã hội, anh có thu nhập cao phải đóng thuế nhiều để phân chia lại cho người có thu nhập thấp hơn. Đó là mục tiêu quan trọng nhất.
Trong bất kể sắc thuế nào, phải là câu chuyện bình đẳng. Đó là mấu chốt nhất chứ không phải là bàn câu chuyện là 4 triệu hay 6 triệu năm nay hay năm 2014.