Nhu cầu tất yếu
Lý giải về hành động này, các chuyên gia ngân hàng đều cho rằng, để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn theo quy định. Quan trọng hơn đối với các ngân hàng được quyền tăng trưởng tín dụng thì buộc phải tăng vốn chủ sở hữu khi nguồn huy động bị hạn chế. Chưa kể các ngân hàng đang tham vọng trở thành ngân hàng khu vực.
Khởi động mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2012, NHTMCP Công thương (VietinBank) công bố kế hoạch tăng vốn "khủng" hơn 52,47% lên 30.845 tỷ đồng. Cùng trong hàng ông lớn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng dự kiến lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài để bán 15% vốn điều lệ. Trong khối NHTMCP, "anh lớn" ACB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên kế hoạch vẫn chưa được công bố cụ thể.
Sang nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ hơn, NHTMCP Quân đội (MB) cũng thông qua kế hoạch tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Kế hoạch tăng vốn này nằm trong dự kiến tăng vốn điều lệ từ 7.300 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng theo phương thức phát hành cổ phần phổ thông của MB năm 2011. Nguồn vốn này bên cạnh việc bổ sung vốn mở rộng kinh doanh còn có thêm mục đích bổ sung vốn cho công ty con và bổ sung vốn đầu tư tài chính liên doanh, liên kết. Với ước vọng nhỏ hơn, NHTMCP Đông Á (DongABank) thông báo sẽ chào bán 50 triệu cổ phần loại phổ thông, mệnh giá 10 nghìn đồng, tương đương với khối lượng vốn cần huy động 500 tỷ đồng. Mục đích nhằm đảm bảo và tăng cường khả năng thanh toán và cho vay tại các phòng giao dịch, chi nhánh, sở giao dịch trong hệ thống.
Mặc dù các NHTMCP nhỏ chưa có động tĩnh nhiều về việc chuẩn bị cho ĐHCĐ, tuy nhiên, cũng có khá nhiều nguồn tin cho thấy họ cũng không nằm ngoài xu hướng tăng vốn này.
Lớn tự tin, nhỏ lo thâu tóm
Mặc dù kế hoạch của VietinBank đưa ra là khá lớn, tuy nhiên, sự thành công đã nhìn thấy trước mặt. Ngay sau ĐHCĐ, với việc trả cổ tức 20% bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 9,6%, VietinBank nắm chắc việc tăng vốn điều lệ mới lên 26.218 tỷ đồng. Đợt tiếp theo, VietinBank dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược để tăng vốn thêm 15% lên 30.845 tỷ đồng.
Với ACB, việc tăng vốn điều lệ cũng không mấy khó khăn khi đây là cổ phiếu của ngân hàng này được liệt vào hàng hot trên HNX. Mức giá hiện tại là 25.200 đồng/CP cùng thanh khoản tốt là tiền đề cho sự thành công dễ dàng.
Hay như với DongABank, cho dù giao dịch trên OTC, song cổ phiếu này hiện là một trong số rất ít cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trên mệnh giá. Và để hấp dẫn thêm các cổ đông hiện hữu tham gia DongABank cho phép quyền mua cổ phiếu được chuyển nhượng tự do và miễn phí chuyển nhượng quyền.
Với MB, kế hoạch tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc chào bán 100 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược/đối tác tiềm năng. Giá chào bán cho đối tác chiến lược là giá thỏa thuận có chiết giảm, mức giảm tối đa 25% so với giá thị trường. Như vậy, mức giá mà NĐT chiến lược chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn mệnh giá một chút. Ví như tại thời điểm hiện tại đang là thời kỳ MBB có giá thị trường khá cao là 15.500 đồng/CP thì giá mua thấp nhất cũng chỉ 11.625 đồng/CP.
Tuy nhiên, đó là những ngân hàng ngồi “chiếu trên” thuộc 2 nhóm tăng trưởng tín dụng 15 và 17%, còn với những ngân hàng nhỏ, công việc tăng vốn điều lệ vẫn không hề đơn giản. Việc NHNN phân ra 4 nhóm tăng trưởng tín dụng cũng đồng nghĩa với NĐT sẽ phân thứ hạng cơ hội đối với các nhóm ngân hàng. Khoảng cách quy mô và lợi nhuận càng doãng xa giữa các nhóm, NĐT càng cân nhắc quyết định đầu tư vào các ngân hàng nhỏ.
Đề án tái cấu trúc hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây đã chỉ ra con đường sáp nhập cho các ngân hàng yếu kém. Chưa kể mức giá thị trường hiện tại của nhiều ngân hàng chỉ bằng 50-80% mệnh giá cũng khiến kế hoạch phát hành vốn thêm khó. Vậy nên xu thế thoái vốn của nhiều nhà cổ đông cá nhân, thành viên HĐQT hoặc người có liên quan thường chỉ bán được cho cổ đông xác lập để tăng vốn chủ sở hữu, chứ ít có cổ đông bên ngoài tham gia vào. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, các ngân hàng đừng đổ tội tại TTCK mà phải nhìn lại chính mình năng lực cạnh tranh và khả năng quản trị của mình.
Những năm qua, khi TTCK sôi động, nhiều ngân hàng lớn đã tận dụng tốt hơn ưu thế của mình để tăng vốn. Nhiều ngân hàng nhỏ cũng đã khai thác tối đa cơ hội này để tăng năng lực tài chính. Tuy nhiên “thời thế” hiện đã khác. Vị chuyên gia trên khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng không nên nhăm nhăm phát hành cổ phiếu. Nếu không tăng được vốn, ngân hàng nên chấp nhận được người khác thâu tóm và sáp nhập và chấp nhận để NHNN chỉ đạo. Sự trợ giúp của các ngân hàng lớn với các ngân hàng nhỏ trong bối cảnh hiện nay không chỉ là trợ giúp thanh khoản mà còn giúp các ngân hàng cơ cấu lại nợ. Và việc đi theo những ngân hàng lớn cũng giống như con cá lớn bơi đi trước, có một con cá nhỏ bơi theo sau, và đến một lúc nào đó phù hợp nó sẽ tách đàn cá lớn này ra sang đàn cá khác.
Theo SBV