SHN bên bờ vực phá sản, lãnh đạo doanh nghiệp vô can?

Thứ tư, 21/03/2012, 15:11
Lãnh đạo Hanic có vô can khi giao khoản tiền lớn hơn vốn điều lệ cho một DN mới tinh, nay đã mất dạng, đẩy Công ty bên bờ vực phá sản?


Những ngày gần đây, động thái của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic - mã SHN) cho thấy, Ban lãnh đạo Công ty đang nỗ lực đòi khoản nợ 340 tỷ đồng trong tình trạng tuyệt vọng.

Hanic sử dụng vốn sai mục đích?

Trong báo cáo tình hình sử dụng vốn của đợt chào bán chứng khoán ra công chúng (tăng vốn điều lệ lên 324 tỷ đồng) đề ngày 3/3/2011, gửi ngày 10/3/2011 của Hanic tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có nội dung: toàn bộ số tiền thu về đã được giải ngân vào 5 mục đích (xem bảng).

Tỷ lệ phân bổ theo báo cáo, dù không chính xác như dự kiến ban đầu, với lý do bảo đảm quyền lợi cho cổ đông, nhưng vẫn tập trung vào 5 mục tiêu huy động vốn ban đầu. “Sau khi phát hành, do tính khả thi của một số dự án và tình hình biến động của thị trường tài chính, để đảm bảo nguồn vốn đầu tư của Công ty mang lại hiệu quả cho DN và đảm bảo lợi ích của cổ đông, HĐQT Công ty đã quyết định điều chuyển vốn giữa các hạng mục đầu tư cho phù hợp”, báo cáo viết.

Trong khi đó, BCTC cuối năm 2010 của Công ty mẹ Hanic cho thấy, vốn chủ sở hữu của Hanic cuối năm 2010 đạt 364 tỷ đồng, tăng 268 tỷ đồng so với cuối năm 2009, chủ yếu do nguồn tăng thêm từ phát hành huy động vốn (năm 2010, Hanic lãi 34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế). Tổng tài sản của Hanic cùng thời điểm trên là 590 tỷ đồng.

Nếu báo cáo tình hình sử dụng vốn nêu trên là chính xác, thì Hanic không thể trích ra tới 238 tỷ đồng để chuyển cho CTCP Beta - Bộ Quốc phòng, nhằm tham gia Dự án Thanh Hà Cienco 5 hồi đầu năm 2011 như thực tế. Nhiều NĐT đang lo ngại một sự vụ DVD thứ hai của TTCK Việt Nam, ở phương diện: DN nói một đằng, làm một nẻo (giải ngân không đúng mục đích huy động vốn).

Ban lãnh đạo Hanic “để” cổ đông ở đâu?

Theo công văn Hanic “kêu cứu” gửi tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ đòi nợ từ Công ty Beta, thì số tiền mà Hanic đã ký dự kiến cho Công ty Beta vay là 379,4 tỷ đồng, chứ không phải số tiền 238 tỷ đồng như thực tế giải ngân. Số tiền này lớn hơn 100% vốn điều lệ của Hanic, bằng 64,3% tổng tài sản của Công ty theo BCTC có kiểm toán gần nhất (590 tỷ đồng).

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, một quyết định mua bán, cho vay có giá trị trên 50% vốn điều lệ phải được ít nhất 75% số thành viên HQĐT thông qua; trường hợp trên 50% tổng tài sản công ty phải được ĐHCĐ thông qua. Vậy nhưng, Hanic đã không thực hiện xin ý kiến ĐHCĐ trước khi cho Công ty Beta vay khoản tiền lớn nêu trên. Do cổ đông không quyết vấn đề trên, nên khi hậu quả xảy ra, cổ đông phải hứng chịu là điều khó chấp nhận.

Đến thời điểm này, Hanic đã chứng minh có một Nghị quyết HĐQT về vấn đề trên. Nhưng thời điểm công bố thông tin của Hanic cho thấy, hoặc Công ty chưa nắm rõ yêu cầu về công bố thông tin, hoặc coi thường cổ đông.

Theo giải trình của Hanic gửi Sở GDCK Hà Nội (HNX) vào ngày 1/3/2012, thì việc hợp tác với Công ty Beta được thực hiện theo Nghị quyết HĐQT số 02/NQ-HĐQT/2011 ngày 21/1/2011. Tuy nhiên, lần giở lại toàn bộ nội dung công bố thông tin của Hanic thì thấy một điểm bất thường là nghị quyết này được Công ty công bố vào ngày 7/10/2011, tức là hơn 6 tháng sau khi xảy ra sự việc!

Những câu hỏi nghi vấn

Cũng theo công văn Hanic gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì chỉ căn cứ trên một công văn của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gửi Cienco 5 về việc hỗ trợ Công ty Beta tham gia đầu tư thứ phát tại Dự án Thanh Hà Cienco 5, mà Hanic đã trao “sinh mệnh” cho Công ty Beta. Tại sao lại “cả tin” trao gần 300 tỷ đồng cho một đối tượng trung gian thứ ba để tham gia một dự án mà Hanic không có một căn cứ pháp lý rành mạch. Trong khi đó, Công ty Beta vừa mới được thành lập (Giấy đăng ký kinh doanh cấp cuối năm 2010), với vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại sao Hanic lại dễ dàng chấp nhận đề nghị của Công ty Beta chuyển toàn bộ khoản tiền hơn 287 tỷ đồng gồm nợ gốc, lãi phát sinh và phạt hợp đồng sang cho cá nhân ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Beta? Tại sao đến thời điểm cả ông Quân và Beta đều... mất dạng, Hanic mới khởi kiện?

Một câu hỏi nữa là Ban lãnh đạo Hanic sẽ “nhường lại” Công ty bên bờ vực phá sản để đi tìm một bến đỗ khác? Thực tế cho thấy, thông tin giao dịch bán ra của cổ đông nội bộ Hanic kể từ đầu năm 2011 diễn ra dày đặc. Bản thân ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch HĐQT Hanic từ chỗ sở hữu 1,2 triệu cổ phần đầu năm 2011, đến thời điểm này chỉ còn sở hữu 350.000 cổ phần (1,1% vốn điều lệ).

Câu chuyện của Hanic một lần nữa khiến thị trường đặt câu hỏi: vai trò của cơ quan quản lý ở đâu trong việc giám sát tình hình sử dụng vốn thu từ các đợt chào bán chứng khoán ra công chúng của DN? Báo cáo một đằng, nhưng DN làm một nẻo, nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông, niềm tin của công chúng đầu tư. Đến bao giờ thì UBCK, các cơ quan hữu quan có những động thái mạnh mẽ hơn, thay vì những công văn yêu cầu DN báo cáo, để bảo vệ quyền lợi của cổ đông Hanic?

Một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Xung quanh câu chuyện của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic -SHN), chúng tôi đang đề nghị phía Sở GDCK Hà Nội và Công ty có văn bản giải trình. Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài, những thông tin ngoài luồng thì rất khó để đưa đến kết luận. Chúng tôi sẽ chờ công văn giải trình của các bên, sau đó từ căn cứ này mới cân nhắc việc có lập đoàn kiểm tra thực tế DN hay không.

Về vấn đề giám sát tình hình sử dụng vốn sau phát hành của công ty đại chúng nói chung, thời gian vừa qua, chúng tôi đã yêu cầu các DN báo cáo tiến độ sử dụng vốn. Đây là một trong những biện pháp nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản trị DN. Tuy nhiên, các cổ đông có quyền và chỉ họ mới có đủ sự quan tâm, chi tiết để giám sát việc này. Phía cơ quan quản lý, chúng tôi đặt mục tiêu tạo môi trường tốt nhất để cổ đông thực hiện đầy đủ quyền của mình, chứ không thể làm thay cổ đông trong tất cả các trường hợp, vì không đủ nguồn lực.

Đối với những trường hợp Ban lãnh đạo DN gian dối, tự ý ra quyết định trái, vượt thẩm quyền của mình, thì hướng xử lý Ban lãnh đạo trong trường hợp xảy ra hậu quả xấu vẫn thuộc về cổ đông. Nếu cổ đông bỏ qua, không khiếu kiện, thì người gây hậu quả vẫn không phải chịu trách nhiệm. Trường hợp của Hanic, chúng tôi chưa thực hiện thanh tra nên rất khó để nói Ban lãnh đạo Hanic có sai hay không. Nếu họ làm sai, làm vượt thẩm quyền, thì các cổ đông có cơ sở để khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ - Bộ Tài chính (DATC)

Trong mọi trường hợp, để đảm bảo DN sau huy động vốn sử dụng tiền đúng mục đích, nên có sự giám sát của một tổ chức giám sát độc lập. Tổ chức này có thể là ngân hàng giám sát, đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hoặc công ty kiểm toán. Muốn biết DN có chi tiền đúng mục đích hay không, thì tổ chức giám sát độc lập, trên cơ sở giám sát chi tiết các dòng tiền vào - ra của DN, sẽ nắm được chính xác. Các cổ đông, dù có sâu sát đến đâu cũng khó lòng kiểm soát được, nếu Ban lãnh đạo DN cố tình làm sai.

Ở nước ngoài, việc thuê tổ chức giám sát DN sử dụng vốn là phổ biến. Ở Việt Nam, điều này vẫn chưa nhiều, nhưng tại các quỹ đầu tư hiện nay đều có các ngân hàng giám sát. Trên thực tế, có những DN không cần có tổ chức giám sát độc lập, họ vẫn tuân thủ rất nghiêm túc việc giải ngân vốn như kế hoạch huy động ban đầu. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, có thể vì những sức ép tài chính ngắn hạn, vì những lợi ích trước mắt, trong khi không có người giám sát độc lập, đủ khả năng để kiểm soát chính xác DN dùng tiền làm gì, thì việc mục đích huy động vốn một đằng, làm một nẻo hoàn toàn có thể xảy ra.


Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn