Động lực nào kéo dòng tiền đổ vào TTCK?

Thứ sáu, 23/03/2012, 11:45
Sau khi xăng dầu tăng giá, dường như lạm phát không còn là nỗi lo của NĐT nhưng điều gì đủ mạnh để kéo dòng tiền vào TTCK?

 

Tin liên quan
> Điểm mặt các CTCK tách bạch tiền của NĐT
> Nhà đầu tư 'chết' trên sàn vàng chui
 


 

Theo nhận định mới nhất của CTCK HSC, CPI của tháng 4/2012 sẽ tăng từ 1,7 - 2%, chủ yếu do tác động của việc tăng giá xăng dầu. Nhưng theo ghi nhận của ĐTCK, tâm lý thị trường cho rằng, lạm phát có thể được kiểm soát. Tâm lý này có thể duy trì cho đến khi có thông tin về CPI tháng 4. Nếu chỉ số này cao hơn dự đoán thì nỗi sợ hãi có thể quay trở lại, nếu  lạm phát tháng 4 ở mức dự đoán thì tâm lý thị trường sẽ tích cực hơn nhiều.

Dù không quá lo về lạm phát trong ngắn hạn nhưng dòng tiền trên thị trường vẫn đang tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, cổ phiếu bất động sản thị giá thấp, các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ hơn là cổ phiếu DN sản xuất cơ bản.

Xu hướng đầu tư này khởi đầu bằng thông tin Quỹ ETF mua vào 13 triệu cổ phiếu STB đúng vào thời điểm thị trường giảm mạnh do chịu tác động của việc tăng giá xăng ngoài dự báo. Lực mua của quỹ ETF đã kéo STB tăng trở lại và giá các cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng theo, góp phần cải thiện chỉ số VN- Index. Từ đó, dòng tiền đầu cơ bắt đầu luân chuyển từ các cổ phiếu bất động sản thị giá thấp sang các cổ phiếu chứng khoán dự báo có lợi nhuận trong quý I. Liệu nguồn tiền trên thị trường có đủ dồi dào để theo dòng tiền đầu cơ đưa thị trường xác lập mặt bằng giá mới?

Theo một số chuyên gia, nguồn tiền hiện rất hạn hẹp do chính sách tiền tệ thắt chặt, thể hiện qua việc thắt chặt ủy thác đầu tư; tăng trưởng tín dụng bị khống chế ở mức 13 - 15% do chỉ có khoảng 10 ngân hàng được phép tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, mức giới hạn cao của chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay…

Nhưng quan sát từ một số CTCK lại cho thấy, nguồn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đang từ từ chảy sang chứng khoán, vì lãi suất hiện nay thiếu hấp dẫn. Mặt khác, nếu vĩ mô ổn định thì giá cổ phiếu ở Việt Nam vẫn còn rẻ.

Ghi nhận sau 2 tuần tăng giá xăng, dường như giá cả các mặt hàng khác không biến động nhiều, ngoài cước vận tải tăng lên. Đã có ý kiến cho rằng, hạn chế tín dụng như hiện nay thì dù giá điện có tăng, lạm phát cũng khó bùng phát, vì giá cả hàng hóa khó tăng do sức cầu nội địa suy yếu. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu và lợi nhuận của nhiều DN sẽ giảm so với năm trước. Khi đó, nhìn vào lợi nhuận năm ngoái, chỉ số P/E của nhiều cổ phiếu là thấp nhưng nhìn vào lợi nhuận năm nay thì thấy chỉ số P/E dự phóng là không thấp, đang ở mức vừa phải.

Tuy nhiên, thực tế năm nay, một số DN xây dựng kế hoạch lợi nhuận quá thận trọng dựa vào thực tế 6 tháng cuối năm trước. Do vậy, nếu môi trường kinh doanh cải thiện hơn, lợi nhuận thực tế sẽ khả quan hơn nhiều. Thị trường có lý do để hy vọng nếu dòng tiền tỏ rõ được sức mạnh khi giữ VN-Index quanh mốc 450 điểm và đi lên.

 Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn